09/04/2024 - 08:25

Nhật Bản tăng cường năng lực phòng thủ với Mỹ 

Nhật Bản buộc phải đánh giá lại chiến lược quốc phòng một cách kỹ lưỡng, trong đó liên minh với Mỹ trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết” giữa thời điểm căng thẳng địa chính trị leo thang đi kèm những thách thức an ninh ngày càng rõ nét.

Tổng thống Biden (phải) trong cuộc gặp trước đây với Thủ tướng Kishida. Ảnh: Reuters

Nhận định trên được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đưa ra trước thềm chuyến thăm Washington giữa tuần này. Sự kiện diễn ra theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Mỹ sau 9 năm.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden sẽ hội đàm vào ngày 10-4 để thảo luận nhiều vấn đề bao gồm tình hình Ukraine, chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên, động thái cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông và với Đài Loan. Trong ngày làm việc tiếp theo, hai nhà lãnh đạo sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr sau khi ông Kishida có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Tại đây, Thủ tướng Kishida dự kiến nêu lên tình trạng “mệt mỏi và thiếu tự tin” mà Washington đang gặp phải, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của Tokyo chia sẻ gánh nặng với đồng minh trong sứ mệnh giữ gìn trật tự thế giới. Nhà lãnh đạo Nhật cũng kêu gọi nghị sĩ 2 nước hợp tác theo kênh liên đảng, thúc đẩy quan hệ song phương vượt ra ngoài ranh giới đảng phái.

Theo giới quan sát, Mỹ lâu nay vẫn coi quan hệ đối tác với Nhật Bản là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược của nước này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngược lại, trọng tâm chính sách tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản là liên minh lâu dài với Mỹ. Dưới thời Thủ tướng Kishida, hợp tác quốc phòng giữa hai bên đã được mở rộng khi chính trị gia 66 tuổi xác định Tokyo không chỉ là đối tác của Mỹ ở châu Á mà còn trên toàn cầu. Theo sau đó là những thay đổi đáng kể về chính sách phòng thủ giúp nâng cao vị thế của quốc gia Đông Bắc Á, chẳng hạn như mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng để đạt mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2027; nới lỏng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí và yêu cầu lực lượng phòng thủ phát triển năng lực phản công.

Những động thái trên làm dấy lên không ít tranh cãi về khả năng Nhật Bản dần thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình kéo dài hàng thập niên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Trước những lo ngại này, Thủ tướng Kishida trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN lần nữa chỉ ra những thách thức an ninh khu vực mà Nhật Bản đang đối mặt, từ việc một số nước đang phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân cho tới các chính sách hiện đại hóa quân sự không minh bạch. Bên cạnh đó là những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông bằng vũ lực. Vượt ra ngoài phạm vi khu vực, Thủ tướng Kishida cho biết thế giới đang đứng trước “bước ngoặt lịch sử” khi chứng kiến xung đột diễn ra ở Đông Âu và bất ổn dai dẳng ở Trung Đông. “Đó là lý do Nhật Bản tăng cường năng lực phòng thủ và thay đổi đáng kể chính sách an ninh trên các mặt trận chiến lược” - Thủ tướng Kishida khẳng định.

Cũng ở thời điểm này, ông Kishida nhấn mạnh vai trò của liên minh Mỹ - Nhật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong đó chiến lược xây dựng khả năng răn đe và phản ứng của Tokyo trở thành nhu cầu thiết yếu. Thông qua chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Nhật hy vọng Washington hiểu rõ và thúc đẩy hợp tác để cải thiện hòa bình và ổn định khu vực; đồng thời cho phần còn lại của thế giới thấy nền tảng mở rộng của liên minh Mỹ - Nhật cùng đối tác khác để đáp ứng các mối đe dọa đang nổi lên, đóng góp tích cực hơn vào việc duy trì hòa bình trên thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

MAI QUYÊN (Theo ANI)

 

Chia sẻ bài viết