28/11/2012 - 09:29

Nhật Bản nỗ lực xây dựng đối tác quân sự tại châu Á

Trong bối cảnh hải quân Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh làm nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương quan ngại, theo tờ Thời báo New York của Mỹ ngày 26-11, Nhật Bản không chỉ đang phát triển khả năng quân sự riêng, mà còn tìm cách xây dựng các đối tác quân sự trong khu vực vì mục tiêu chung là sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh.

Tăng cường sức mạnh quân sự

 Tàu khu trục chở máy bay lên thẳng của Nhật Bản. Ảnh: Seaforces
  

Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ của nước này đang khẩn trương sắm thêm 4 xe chuyên dụng tấn công đổ bộ cỡ lớn, được trang bị súng máy và pháo tự động với khả năng triển khai nhanh trong trường hợp hải đảo của mình bị kẻ địch tấn công chiếm đóng. Hiện nay, Nhật Bản đang sở hữu tàu khu trục đổ bộ lớp Hyuga có thể chở máy bay chiến đấu lên thẳng và đang gấp rút chế tạo tàu khu trục đổ bộ khổng lồ mới. Họ cũng chuẩn bị hiện đại hóa hàng chục tàu chuyên dụng cho thủy quân lục chiến, đồng thời mở rộng hệ thống radar và do thám nhằm theo dõi sát sao mọi động thái quân sự của đối phương. Ngoài ra, Tokyo đã đặt mua 4 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ cũng như đang thuyết phục Washington nhượng quyền chế tạo loại chiến đấu cơ này cho Tokyo.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Nhật Bản đang được nhiều nước xem là quốc gia duy nhất trong khu vực có đủ sức mạnh hải quân để đối chọi với Trung Quốc. Dù mức chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản bị cắt giảm sau hàng thập niên tăng trưởng kinh tế đi xuống, nhưng ngân sách quân sự của nước này vẫn đứng thứ 6 thế giới, trong đó lực lượng hải quân mạnh thứ 4 toàn cầu. Vì duy trì lập trường hòa bình, Nhật Bản không có tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay để thật sự trở thành một cường quốc quân sự, nhưng hải quân nước này có tàu khu trục được trang bị tên lửa Aegis với khả năng bắn tên lửa đạn đạo.

Xây dựng đối tác quân sự

Trong khi đó, để tìm kiếm đối tác cùng đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, Nhật Bản đã bắt đầu đẩy mạnh các chương trình trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước trong khu vực, đồng thời có thể sớm cung cấp phương tiện quân sự hạng nặng như thủy phi cơ, thậm chí tàu ngầm tàng hình. Tàu chiến của Nhật Bản không chỉ tiến hành các cuộc tập trận với số lượng quân lực ngày càng lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, mà còn thường xuyên đi thăm các nước trong khu vực vốn từ lâu lo ngại sự trỗi dậy của quân phiệt Nhật.

Tetsuo Kotani, cựu quan chức quốc phòng và đang là nhà nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế của Nhật Bản tại Tokyo, cho biết chiến lược của nước này là huấn luyện và cung cấp phương tiện tác chiến hiện đại cho các nước khác "nhằm tạo ra lực lượng tuần duyên và lực lượng phòng vệ mini của Nhật Bản trên Biển Đông". Nhật Bản đang thảo luận gói viện trợ an ninh lớn nhất, cung cấp 10 tàu tuần duyên trị giá khoảng 12 triệu USD cho lực lượng bờ biển Philippines. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Indonesia và bán tàu ngầm cho một số nước khác, trong đó có Malaysia và Úc.

Những bước đi mới của Nhật Bản tuy còn khiêm tốn và có thể chưa sớm thay đổi vai trò phòng thủ thuần túy trong chính sách hòa bình thời hậu chiến của nước này, nhưng đó là sự chuyển biến rõ nét trong chiến lược an ninh quốc gia của Tokyo trước một Bắc Kinh đang tỏ rõ mưu đồ thâu tóm phần lớn lãnh hải khu vực. Yoshihide Soeya, Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Keio (Tokyo), giải thích: "Chúng tôi (Nhật Bản) muốn xây dựng một liên minh tự nguyện tại châu Á nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc".

Mỹ đã hoan nghênh các nỗ lực của Nhật Bản trong chiến lược liên kết quân sự với các nước châu Á nhằm đủ sức đối phó với Trung Quốc khi Mỹ cũng đang tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này. Mối lo ngại về một sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật tại một số nước châu Á đang giảm dần và các nước này ủng hộ, thỉnh thoảng còn chủ động kêu gọi sự giúp đỡ quân sự của Tokyo. "Chúng tôi đang sẵn sàng gạt đi cơn ác mộng thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai bởi mối đe dọa từ Trung Quốc"- Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh thuộc Viện nghiên cứu hòa bình, bạo lực và khủng bố của Philippines tại Manila, phát biểu. Mark Lim, quan chức thuộc lực lượng bờ biển Philippines, khẳng định: "Nhật Bản đang cùng với Mỹ và Úc giúp đỡ Philippines đương đầu với Trung Quốc".

KIẾN HÒA (Theo Nytimes)

Chia sẻ bài viết