06/05/2019 - 19:10

Nhân vật ủng hộ đổi tên nước thắng cử ở Bắc Macedonia 

Nhân vật thân phương Tây Stevo Pendarovski đã đánh bại đối thủ Gordana Siljanovska-Davkova ở vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Bắc Macedonia diễn ra ngày 5-5, sự kiện vốn tập trung nhiều vào thỏa thuận đổi tên nước ký với Hy Lạp trước đó.

 Ông Pendarovski (giữa) ăn mừng chiến thắng cùng các cộng sự tại thủ đô Skopje. Ảnh: AP

Ủy ban bầu cử quốc gia (SEC) cho biết với 99,5% số phiếu được kiểm, Pendarovski-ứng viên của liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Xã hội dẫn đầu-giành được 51,7% phiếu ủng hộ, so với 44,7% của bà Davkova, người thuộc liên minh đối lập Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia- đảng Dân chủ Đoàn kết Dân tộc (VMRO-DPMNE). Phát biểu trước những người ủng hộ sau đó, ông Pendarovski khẳng định kết quả bầu cử là sự củng cố đường lối hướng về Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước phát triển.

Thật ra, chiến dịch tranh cử của hai ứng viên trên đều xoay quanh các chủ đề như Bắc Macedonia gia nhập EU và NATO cũng như cam kết thúc đẩy cải cách kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa họ là ông Pendarovski, 56 tuổi, tán thành thỏa thuận đổi tên nước mà Macedonia đã đạt được với Hy Lạp, trong khi giáo sư luật Davkova thì có quan điểm ngược lại.

Cộng hòa Macedonia tách khỏi Liên bang Nam Tư vào năm 1991, nhưng từ đó bị Hy Lạp phản đối vì có tên trùng với một tỉnh của nước này. Hy Lạp lo ngại việc quốc gia láng giềng được gọi là Macedonia sẽ hàm ý đòi hỏi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ phía Bắc của họ. Vì tranh chấp này mà Athens, một thành viên của EU và NATO, lâu nay cản đường Skopje gia nhập liên minh. Đến tháng 2 vừa qua, Macedonia mới chính thức đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia theo thỏa thuận đạt được với Hy Lạp hồi giữa năm ngoái để đổi lấy sự ủng hộ của Athens đối với nỗ lực trở thành thành viên NATO và EU. Dù vậy, văn kiện này tiếp tục gây chia rẽ người dân Bắc Macedonia cũng như làm lu mờ tất cả các chủ đề tranh cử khác. Phe phản đối bày tỏ sự giận dữ vì cảm thấy thỏa thuận đã “hy sinh” bản sắc của cộng hòa nhỏ bé vùng Balkan. Bà Davkova còn lớn tiếng chê bai thỏa thuận này là “một giải pháp tồi tệ”. Mặc dù thừa nhận thất bại trước đối thủ, song nữ chính khách 63 tuổi cũng khẳng định phe của bà không thua trong cuộc chiến về thỏa thuận đổi tên nước.

Ở chiều ngược lại, chiến thắng của Pendarovski càng tạo lợi thế cho liên minh cầm quyền bởi chính phủ của Thủ tướng Zoran Zaev hy vọng việc đổi tên nước giúp họ nhận được lời mời khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU vào tháng 6 tới và trở thành thành viên thứ 30 của NATO trong năm 2020. 

Như vậy, ông Pendarovski sẽ là tổng thống thứ 5 của quốc gia vỏn vẹn hơn 2 triệu dân này. Được xem là vị trí mang tính lễ nghi ở quốc gia Đông Nam Âu, nhưng tổng thống là tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang và có quyền phủ quyết các dự luật được Quốc hội thông qua.

Theo SEC, tỷ lệ cử tri đi bầu ở vòng hai chỉ đạt 46,6%. Dù thấp, nhưng nó cũng đủ để xua tan lo ngại về tính hợp pháp của cuộc bầu cử bởi tỷ lệ bắt buộc phải trên 40%, nếu không sẽ phải tiến hành bầu cử lại. Ở vòng một cuộc bầu cử cách đây 2 tuần, hai ứng viên Davkova và Pendarovski đều giành được khoảng 41% phiếu ủng hộ.

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết