 |
Xe bọc thép của quân đội Ai Cập xuất hiện
gần nhà thờ al-Fath. Ảnh: Reuters |
Hôm 17-8, Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn đã phát đi tín hiệu về một kế hoạch “cấm cửa” tổ chức Huynh đệ Hồi giáo tham gia chính trường trong tương lai, động thái được cho là nguy hiểm giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” tại quốc gia Bắc Phi này.
Đùa với lửa?
Phát biểu trước báo giới hôm 17-8, Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi đã đổ lỗi cho phe Hồi giáo gây ra tình trạng đẫm máu và ông cũng đề xuất kế hoạch loại tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ra khỏi chính trường, sự kiện có thể kéo theo hàng loạt vụ bắt bớ nhằm vào các thành viên của tổ chức này và dĩ nhiên là sự phản kháng không tránh khỏi của họ.
Ông el-Beblawi khẳng định sẽ không có chuyện thỏa hiệp với những người mà bàn tay đã “vấy máu và phá hoại” đất nước, trong khi nguồn tin chính phủ cho thấy những toan tính chia rẽ Huynh đệ Hồi giáo bằng việc “dỗ ngọt” và mời gọi các thành viên ôn hòa rời bỏ tổ chức để tham gia vào quá trình chuyển tiếp chính trị.
Được thành lập năm 1928, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã tạo dựng nền tảng vững chắc tại nhiều tỉnh thành ở Ai Cập. Bằng chứng là đảng Tự do và Công lý của họ đã giành chiến thắng trong tất cả 5 cuộc bầu cử diễn ra sau vụ lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011, đánh dấu sự trở lại ấn tượng sau hàng chục năm bị “cấm cửa”. Do vậy, việc chính phủ lâm thời đang tính toán phương án loại trừ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo được giới phân tích cảnh báo là không khác gì hành động “đùa với lửa”.
Biểu tình nối tiếp biểu tình
Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết đã bắt giữ hơn 1.000 thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và một số phần tử khác, trong đó có em trai của thủ lĩnh al-Qaeda Mohamed al-Zawahiri, sau khi cảnh sát bắt đầu các cuộc bố ráp tại nhà thờ al-Fath ở Thủ đô Cairo hôm 16-8. Truyền thông Ai Cập cho biết 250 thành viên của tổ chức này đối mặt với các cáo buộc “giết người, mưu sát và khủng bố”. Hôm 17-8, cảnh sát và những người biểu tình bám trụ trong nhà thờ al-Fath được cho là đã xảy ra giao tranh với nhau. Số người thiệt mạng trong 4 ngày qua được ghi nhận lên đến 750 người.
Đáp lại, phe Hồi giáo cũng kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tiếp tục các cuộc biểu tình hàng ngày. Theo đó, liên minh phản đối đảo chính cho biết một loạt cuộc tuần hành diễn ra vào chiều ngày 18-8 tại Cairo nhằm phản đối các vụ trấn áp ngày càng mạnh tay của quân đội. Trong khi đó, chính phủ lâm thời tiếp tục bảo vệ hành động của mình. Ông Mustafa Hegazy, cố vấn của tổng thống, cho rằng lực lượng an ninh đã hành động bằng “sự tự kiểm soát và kiềm chế tối đa”.
Dẫu vậy, cộng đồng quốc tế vẫn không ngừng lo ngại về diễn biến tại Ai Cập. Hôm 17-8, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên án các cuộc tấn công vào nhà thờ, bệnh viện và công sở do phe Hồi giáo tiến hành, đồng thời ông cũng báo động việc quân đội “sử dụng vũ lực quá mức” đối với những người biểu tình. Ông Ban cũng thúc giục các bên tại Ai Cập nên chia sẻ trách nhiệm để kết thúc tình trạng bạo lực hiện nay và đưa tiến trình chính trị trở lại đúng lộ trình. Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton thì cho biết bà “sốc” trước tình hình bạo lực tại Ai Cập trong khi các lãnh đạo EU cam kết sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với tình trạng trên.
THANH BÌNH (Tổng hợp)