11/03/2024 - 09:26

Nguồn lực bị lãng quên 

Huynh luôn có những ý tưởng mới mẽ từ tre khi về Phú Tân cũng như Phong - Le Vent ở Sa Ðéc làm khu Maison en Bambou.

Nguyễn Văn Huynh, đồng sáng lập cơ sở Thủy Tuyết. Ảnh: Ch.L

Những đóng góp vi mô

“Chị em bắt phát biểu truyền cảm hứng, ngại quá vì đó là lớp học về khởi nghiệp xanh - chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ”, Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan đát Phương Nam, đồng sáng lập cơ sở đan đát Thủy Tuyết, nói. “Phân công nội bộ là vợ em lo điều hành sản xuất còn em lo kinh doanh, lo mô hình liên kết. Vợ phân công đi họp em phải nghe”, Huynh hóm hỉnh nói.

Tre không chỉ là câu chuyện ly kỳ của cơ sở Thủy Tuyết, hay HTX Mây tre đan đát Phương Nam mà còn là kỳ vọng về ngành hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam, định hướng kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD trong năm tới. Ngày xưa, hai vợ chồng về quê nội ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) mở cơ sở đan đát mây tre, ai nấy bàn tán hai người này uống thuốc liều nên húc đầu vô tường - thế nào thì đồ nhựa cũng sẽ đánh chết.

Không chỉ ở Phú Tân, đồ nhựa từng nhấn chìm biết bao làng nghề truyền thống. Là con nhà nghề đan đát ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), Trương Thị Bạch Thủy, đã ngậm ngùi rời làng, bỏ cơ sở đan đát hình thành từ năm 17 tuổi. Cặp đôi Thủy - Huynh có nhiều suy nghĩ khác biệt khi mưu sinh, nhưng khi quyết định trở về Phú Tân thì suy nghĩ của cả hai giống nhau ở chỗ chấp nhận cuộc lấn át của đồ nhựa, chờ cơ hội đưa nghề đan đát mây tre vượt qua thoái trào. Hai vợ chồng Thủy - Huynh tin vào kỹ năng và cách khôi phục, điều chỉnh, cải tiến sản phẩm từ tre, trúc khi nhận ra tín hiệu tiêu dùng xanh, cách mà con người nhận ra hệ lụy từ đồ nhựa. Vẫn là rổ, rá, thúng, xà ngom, xà neng - chỉ cần thay đổi kích thước, hoa văn gắn với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như ghe ngo, khay, lồng đèn… thì kết quả thu hoạch rất khác biệt.

Gặp Thủy - Huynh ở lớp học dành cho các chủ thể OCOP, hai vợ chồng đem sản phẩm đến cùng mổ xẻ thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm thực chiến… câu chuyện và mong muốn của đôi uyên ương này trùng khớp những điều học được từ cha đẻ OVOP ở Nhật Bản, GS Morihiko Hiramatsu. Năm nay, cơ sở có trên 600 mẫu từ hàng gia dụng tới mỹ nghệ từ tre, trúc. Tết Nguyên đán vừa qua, Cơ sở Thủy Tuyết nhận làm dịch vụ thiết kế cảnh quan từ vật liệu nhà quê như tre, trúc, rơm rạ. Nhiều người nói “coi đơn sơ vậy mà rất có hồn”.

Mỗi năm, HTX sử dụng 200 tấn tre. Doanh thu HTX năm 2022 đạt 12 tỉ đồng. Năm ngoái sức mua uể oải khiến nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh “mất lửa”. Huynh lại tính kế hoạch 4 bước để giữ lửa cho làng nghề: 1/Phát triển làng nghề với bộ sản phẩm đa dạng hơn; 2/Thiết kế mô hình kinh doanh phù hợp với những sản phẩm độc đáo hướng tới xuất khẩu; 3/Phát động vùng trồng tre trúc đa dạng giống loài, sinh cảnh khả dĩ để phát triển dịch vụ đón tiếp du khách; 4/Cân bằng nguồn lực vừa phát triển sản xuất vừa tăng dịch vụ du lịch theo hướng xanh.

Ðối với Trương Thị Bạch Thủy, năm ngoái là mốc thời gian đáng nhớ khi Thủy đạt giải Nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Quốc gia năm 2023” - danh hiệu cao quý dành cho những nghệ nhân trẻ có những tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo, giá trị cao. HTX giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận, 90% thợ là người dân tộc Khmer, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng - Ðiều có ý nghĩa nhất đối với Thủy- Huynh.

Vận hội lớn

Hội chợ Hàng tiêu dùng Quốc tế hàng đầu thế giới Ambiente 2024, diễn ra tại Trung tâm triển lãm Messe Frankfurt từ ngày 27-30/1/2024. Nhiều chuyên gia thừa nhận sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam khá đa dạng, nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thẳng thắn nói rằng vẫn chưa đủ liều cho một sự đột phá, chưa bắt kịp những thay đổi hàng năm, chưa gây hào hứng như trước đây.

Sản xuất ở cơ sở Thủy Tuyết. Ảnh: NVH

Năm 1999, Việt Nam nổi bật với khu bảo tồn sinh thái tre (Làng tre Phú An) Bình Dương. Thực ra, công trình đầu tiên nghiên cứu về tre nứa ở Việt Nam là Camus and Camus (1923) thống kê 73 loài tre trúc của Việt Nam. Năm 1999, GS Phạm Hoàng Hộ đã thống kê được 123 loài. Cùng thời gian này, được sự trợ giúp của UBND tỉnh Bình Dương, Trường Ðại học Khoa học Tự Nhiên, vườn thiên nhiên Pilat, vùng Rhone Alpes, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh từ Pháp về xây dựng làng tre Phú An thành bảo tàng thực vật và sinh thái tre - lưu giữ và phát triển hơn 300 mẫu tre nứa, trong đó có hơn 90% là giống cây của Việt Nam. “Bộ sưu tập này xin kính tặng GS Phạm Hoàng Hộ và người dân Phú An cùng tất cả những ai yêu thiên nhiên”, trên bia đá ở làng tre Phú An - TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh khắc ghi.

Thế giới biết bộ sưu tập gồm 175 giống tre và những công trình nghiên ứng dụng trong y học, chế biến thực phẩm, xây dựng, trang trí nội thất… từ tre. Năm 2010, làng Tre Phú An trở thành một ngôi làng mang tầm vóc quốc tế khi được UNDP thuộc Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cho cộng đồng. Làng tre Phú An trở thành 1 trong 21 ngôi làng trên thế giới được trao giải thưởng này.

Hiện nay, tổng diện tích tre Việt Nam khoảng 1.592.205ha, trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 2,5-3 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu từ 300-400 triệu USD/năm, tập trung các thị trường chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Thị phần xuất khẩu các sản phẩm từ tre (Nguồn: Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn).

Quy mô lớn, tại sao không?

Hiện nay, với 30 chi, 216 loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha.

Năm 2022, Hội thảo thế giới về tre lần thứ IV - World Bamboo Workshop 2022 được tổ chức tại Bình Dương. Tổ chức World Bamboo Organization - WBO đồng thời tổ chức Hội thảo Tre Thế giới - phối hợp với Trường Ðại học Khoa học Tự nhiên - Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương- UBND tỉnh Ðồng Tháp lần đầu tiên tham gia. Khu Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh được tỉnh quy hoạch là Khu bảo tồn tre gắn với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng rộng 66ha. Ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng đã sưu tầm gần 10 năm, với khoảng 93 giống tre Việt Nam và các nước. Nhiều người kỳ vọng bên cạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất công nghiệp đại trà, tre sẽ là nguồn cảm hứng, khích lệ ý tưởng sáng tạo những sản phẩm tinh tế, giá trị cao.

Ði đâu trên đất nước này cũng thấy tre, in đậm trong suy nghĩ nguồn nguyên liệu tự nhiên để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lao động trong các làng nghề đan đát truyền thống chứ chưa đặt nguồn tài nguyên này vào đúng vị trí của một ngành hàng giàu tiềm năng (sử dụng trong xây dựng, trang trí cảnh quan khu, nguồn hấp thụ carbon, chống biến đổi khí hậu hữu hiệu so với loài cây khác). Tre xứng đáng được xem là nguồn vật liệu thay thế không chỉ hữu hiệu về mặt kinh tế mà còn vượt trội về mặt thẩm mỹ. Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam (hơn 37%), dù họ có tới 7,01 triệu héc-ta, chiếm 51% trong tổng số diện tích rừng tre với 1.642 loài tre của thế giới.

Chưa bao giờ họ ngừng nghiên cứu nâng cao giá trị nguồn tài nguyên này. Giai đoạn 2001-2003, GS Xia Nianhe, chuyên gia phân loại tre (chi Bambusa) của Viện Thực vật học Quảng Châu, Trung Quốc đã cùng các ông Nguyễn Tử Ưởng, Lê Viết Lâm (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) nghiên cứu xác định Việt Nam có 113 loài của 22 chi, kiểm tra và cập nhật 11 tên khoa học mới. Ðặc biệt đưa ra được 6 chi và 22 loài tre lần đầu được định tên khoa học, bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam.

Hai năm sau, (2004-2005), ông Nguyễn Hoàng Nghĩa cùng hai chuyên gia phân loại tre Trung Quốc là GS Li Dezhu, Phó Viện trưởng Viện thực vật học Côn Minh, Vân Nam (chuyên gia chi Dendrocalamus) và GS Xia Nianhe (chuyên gia chi Bambusa) tiếp tục nghiên cứu định danh các loài tre nứa hiện có, nâng số lượng lên 194 loài, 26 chi tre trúc Việt Nam. Ðặc biệt, nhóm nghiên cứu phát hiện ra 6 loài tre quả thịt dựa trên cấu tạo hình thái và giải mã hoa quả, sáu loài tre quả thịt đã được mô tả và định danh để tạo nên một chi tre mới cho Việt Nam, đó là chi tre quả thịt (Melocalamus).

Các loài đã được nhận biết là Dẹ Yên Bái (Melocalamus yenbaiensis), tre quả thịt Cúc Phương (M. cucphuongensis), tre quả thịt Kon Hà Nừng (M. kbangensis), tre quả thịt Lộc Bắc (M. blaoensis), tre quả thịt Pà Cò (M. pacoensis) và tre quả thịt Trường Sơn (M. truongsonensis).

Trung Quốc không hề che giấu tham vọng dẫn đầu toàn cầu về các sản phẩm mỹ nghệ từ tre. Họ tập trung xây dựng chuỗi ngành hàng tre để khai thác thị trường toàn cầu gần 82,90 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,7% từ năm 2021 tới năm 2028. Hollywood cho cả thế giới thấy tre ngoạn mục tới cỡ nào khi xem Ngọa hỗ Tàng long.

Chúng ta cũng xem, nhưng có vẻ như vẫn chưa nghĩ ra điều gì hay ho hơn!? Ðôi khi, câu hỏi đơn giản nhất, Thánh Gióng nhổ tre làm vũ khí đuổi giặc Ân là giống tre nào - có khi lại là câu quá khó!

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết