20/08/2009 - 21:43

Người khơi dậy phong trào thanh niên lập nghiệp

Hợp tác xã (HTX) Thanh Niên ở ấp Tân Phát B, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, là một trong những mô hình liên kết thanh niên phát triển kinh tế nông thôn đầu tiên và có hiệu quả của tỉnh Kiên Giang. Sau khi ra đời, HTX không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở địa phương khi bước vào mùa thu hoạch rộ, mà còn tạo công ăn việc làm tại chỗ, giúp thanh niên tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Khởi nghiệp

Một ngày giữa tháng tám, chúng tôi đến thăm và ghi nhận được không khí lao động ở HTX Thanh Niên ấp Tân Phát B diễn ra thật tất bật và sôi nổi. Vụ xuân hè năm 2009 vừa kết thúc, một số xã viên đang bảo dưỡng hai chiếc máy gặt đập liên hợp. Một tốp khác loay hoay chuẩn bị quần áo thể dục, để kịp giao cho các trường học trong và ngoài tỉnh nhân dịp đầu năm học mới...

Nguyễn Phương Khánh, Chủ nhiệm HTX Thanh Niên ở ấp Tân Phát B. 

Tiền thân của HTX là Tổ hợp tác Thanh Niên ấp Tân Phát B, được thành lập hồi giữa năm 2007, gồm 11 thành viên, do Nguyễn Phương Khánh, Bí thư Chi đoàn ấp, làm Tổ trưởng. Với nguồn vốn vay của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Tổ hợp tác đã mua sắm một số trang thiết bị như ghe máy tải trọng 10 tấn (40 triệu đồng); máy gặt đập liên hợp (198 triệu đồng) và 70 triệu đồng còn lại làm vốn lưu động để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa, cung ứng xăng, dầu, ga, gạo cám đến tận nhà theo yêu cầu của người dân. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn cung ứng quần áo thể dục cho các trường học trong và ngoài tỉnh. Nhớ đến những ngày đầu mới hoạt động, nét mặt Phương Khánh ngời niềm vui. Anh kể: “Chúng tôi thân nhau như thể anh em trong nhà. Tuy công việc vất vả, nhưng ai cũng vui, vì được làm việc và có thu nhập, ổn định cuộc sống. Người này mệt thì có người khác thế, không ai phiền hà hay so bì...”. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên và qua phong trào đã quy tụ số thanh niên này tham gia vào tổ chức, vừa góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, vừa nâng cao đời sống vật chất tinh thần - đó là phương châm hoạt động của Tổ hợp tác.

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ngoài việc làm ruộng phụ giúp gia đình, Dương Quang Hiệp không biết phải làm gì để có thu nhập. Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến chiều tối, anh thường rong chơi cùng bạn bè. Thấy vậy, Phương Khánh rủ cùng nhau làm kinh tế. Không chút do dự, anh đồng ý ngay. Quang Hiệp, thành viên Tổ hợp tác, phấn khởi nói: “Trung bình mỗi ngày làm việc, các thành viên được lãnh từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng, tùy vào khối lượng công việc. Từ lúc tham gia phong trào đến nay, tôi thấy mình trưởng thành hơn”.

Sau một năm hoạt động, Tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX Thanh Niên ấp Tân Phát B, với 15 xã viên, nâng tổng số vốn của HTX lên đến khoảng 1 tỉ đồng. Trong quá trình hoạt động, HTX được nhiều người dân tín nhiệm. Nông dân Đoàn Quốc Tuấn cho biết: “Từ khi có Tổ hợp tác Thanh Niên ra đời, bà con đỡ vất vả trong sản xuất, nhất là ở khâu thu hoạch lúa. Với tính năng động của tuổi trẻ, các xã viên HTX làm việc nhiệt tình, không thể chê vào đâu được!”. Nói về hiệu quả hoạt động, ông Vũ Anh Kai, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phát B, cho biết: “Cách thức hoạt động của HTX chủ yếu là lấy công làm lời. Với lực lượng xã viên trẻ, khỏe nên hiệu suất lao động cao, HTX dần ăn nên làm ra. Với 2 chiếc máy gặt đập liên hợp, HTX không chỉ hoạt động trên địa bàn mà thường đi cắt mướn ở một số cánh đồng lân cận như: huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang)...”. Không dừng lại đó, hiện nay, HTX dự tính mở rộng thực hiện một số dịch vụ khác, để tăng thu nhập cho xã viên. Phương Khánh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi dự định sản xuất nước đóng chai tinh khiết và trồng nấm bào ngư. Nhưng qua khảo sát thị trường, đầu ra sản phẩm này không ổn định, nên chúng tôi dừng lại và đã chuyển sang thực hiện dịch vụ bơm rút nước, phục vụ cho việc sản xuất của nông dân”. Phương Khánh tin rằng, hệ thống bơm rút nước vận hành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ rút ngắn thời gian bơm mà còn giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí...

Xây tổ ấm

Sau khi tốt nghiệp ngành Cao đẳng sư phạm, năm 1998, Phương Khánh trở về công tác tại Trường THCS Tân Hiệp B3 và tham gia công tác Đoàn ở ấp Tân Phát B. Đây là khoảng thời gian vất vả, nhưng với Phương Khánh thì rất vui, vì anh đã làm được một việc có ý nghĩa, đó là tạo công ăn việc làm, giúp thanh niên vươn lên trong cuộc sống...

Tân Phát B là ấp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích 1.116 ha, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, có 345 hộ, bình quân mỗi hộ canh tác khoảng 3ha. Trên địa bàn, có 452 thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 35, trong đó, 215 thanh niên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc tốt nghiệp ra trường đi làm ở nơi khác; số thanh niên còn lại trình độ học vấn từ lớp 10 đến lớp 12, không có việc làm lúc nông nhàn... Xuất thân trong gia đình nông dân và có nhiều năm làm công tác Đoàn, Phương Khánh thấy được nhu cầu việc làm của thanh niên và nỗi khổ của nhà nông, với chuyện thuê mướn nhân công trước mỗi vụ thu hoạch. Phương Khánh trăn trở: “Dân ở quê mình sống chủ yếu bằng nghề nông, sao mình không tập hợp một số thanh niên làm dịch vụ nông nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm cho anh em, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của bà con”. Nhiều đêm suy tính, sau cùng Phương Khánh khơi gợi cách làm này thì được nhiều thanh niên hưởng ứng. Từ đó, anh mạnh dạn đề xuất và được Đảng ủy - UBND xã Tân Hiệp B và các cán bộ Đoàn cấp trên, cùng Chi bộ ấp ủng hộ thành lập Tổ hợp tác.

Buổi đầu, vận động thanh niên tham gia vào Tổ hợp rất khó khăn. Phương Khánh nhớ lại, hôm đó, anh đến nhà T.N, thấy T.N đang ngồi nhậu cùng đám bạn. Vừa gặp Phương Khánh bước vào, T.N liền hỏi xin tiền mua rượu. Không trả lời tiếng nào, Phương Khánh móc tiền ra cho, rồi ra về. Hôm sau, T.N hết xỉn, Phương Khánh quay lại trò chuyện và khuyên bảo T.N: “Mình có tiền mà còn không nhậu nhẹt, còn cậu không tiền mà lại rượu chè, be bét suốt ngày. Cuộc sống, tương lai của cậu rồi sẽ ra sao?”. Nghe Phương Khánh nói, T.N như bừng tỉnh. Cuộc trò chuyện giữa Phương Khánh và T.N trở nên cởi mở và cũng từ đó, họ trở thành đôi bạn thân. T.N tham gia vào Tổ hợp tác và là một trong những thành viên năng nổ, tích cực trong lao động, không còn bê tha như trước. T.N tâm sự: “Nhờ Phương Khánh, ngày nay tôi có công ăn việc làm ổn định, cha mẹ già không còn rầy la và lo lắng như trước”. Đồng chí Vũ Anh Kai, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phát B, cho biết: “Rất tâm huyết với công tác Đoàn, Nguyễn Phương Khánh là người “đứng mũi, chịu sào” đã góp phần đưa phong trào Đoàn ở ấp ngày một phát triển vững mạnh. Thời gian qua, trong Chi đoàn xuất hiện nhiều đoàn viên ưu tú trong các phong trào lập thân, lập nghiệp, được kết nạp vào Đảng như Dương Quang Hiệp, Trần Văn Riễn...”.

Từ sáng sớm đến xế chiều, Phương Khánh luôn bận rộn với công việc, từ công tác đoàn thể, công tác ở trường học đến chuyện làm ăn của HTX. Dù bận rộn nhiều công việc, nhưng Phương Khánh vẫn sắp xếp dành thời gian vun đắp cho tổ ấm bé nhỏ của mình. Người đồng hành và luôn sẻ chia với Phương Khánh trong lúc khó khăn là vợ anh, chị Vũ Thị Nương. Để tăng thu nhập cho gia đình, chị Nương tận dụng khoảng trống trong căn nhà bày bán tạp hóa và hàng quán nước giải khát. Chị Nương cho biết: “Bữa nào cũng vậy, khi đi làm về, ảnh thường phụ bán tiếp vợ, trông coi quán xá hay đi ra đồng chăm sóc hơn 20 công ruộng. Cuộc sống đạm bạc, nhưng chúng tôi rất hạnh phúc, cùng nhau nuôi dạy con gái đầu lòng...”.

Đồng chí Đỗ Thanh Cường, Phó Bí thư huyện Đoàn Tân Hiệp, cho biết: “Trong những năm qua, Đoàn thanh niên huyện đã không ngừng đẩy mạnh phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi trên tất cả các lĩnh vực. Nguyễn Phương Khánh, Bí thư Chi đoàn ấp, Chủ nhiệm HTX Thanh Niên ấp Tân Phát B, là một trong những điển hình như thế. Phương Khánh rất gương mẫu và nghiêm túc trong mọi công việc. Còn trong giao tiếp hàng ngày, thì anh sống giản dị, hòa đồng và luôn chia sẻ khó khăn với anh em”.

Năm 2008 vừa qua là bước ngoặt quan trọng đối với Phương Khánh: Anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng; là một trong 10 thanh niên điển hình tiên tiến của tỉnh Kiên Giang và được nhận giải thưởng Lương Định Của, phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho thanh niên. Dù vậy, Phương Khánh không tự mãn, mà còn ấp ủ nhiều dự tính, với mong muốn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa giúp đoàn viên thanh niên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết