07/11/2021 - 12:18

Người gốc Nam Á dễ mắc COVID-19 

* SARS-CoV-2 không lây nhiễm sang các tế bào não    

Ðây là phát hiện vừa được công bố trên Tạp chí Nature Genetics, sau khi các nhà khoa học Anh tìm hiểu mối liên hệ giữa di truyền và tác động của COVID-19.

Ảnh: Science News

Dựa trên công trình nghiên cứu về gien trước đó, các chuyên gia tại Ðại học Oxford sử dụng phương pháp kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và công nghệ phân tử mới để xác định chính xác một gien mang tên LZTFL1, chịu trách nhiệm về việc tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 và gặp các biến chứng nặng như suy hô hấp và thậm chí cả tử vong. Họ ước tính 60% người gốc Nam Á và 15% người gốc Âu mang phiên bản của LZTFL1. Tỷ lệ này thấp hơn ở người gốc Phi - Caribe và người gốc Ðông Á, tương ứng là 2% và 1,8%.

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc mang phiên bản nguy cơ cao của LZTFL1 khiến phổi của một người dễ nhiễm COVID-19 hơn. Gien này phá hỏng một cơ chế bảo vệ quan trọng mà các tế bào trong niêm mạc phổi thường dùng để tự vệ trước SARS-CoV-2. Thông thường, khi tương tác với SARS-CoV-2, các tế bào này chuyển biến thành các tế bào kém chuyên biệt hơn và ít chào đón virus hơn. Nhưng ở những người mang phiên bản LZTFL1, quá trình này không hoạt động tốt và các tế bào phổi dễ bị SARS-CoV-2 xâm nhập.

Các tác giả cho biết tuy LZTFL1 ảnh hưởng đến phổi, nhưng không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch nên những người mang gien này vẫn được hưởng lợi nhờ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Họ hy vọng phát hiện mới có thể giúp tạo ra những loại thuốc mới nhắm vào phổi, khác với những loại thuốc hiện tại chủ yếu tập trung vào hệ miễn dịch để chống lại COVID-19.

mTrong khi đó, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, SARS-CoV-2 không lây nhiễm sang các tế bào não của con người. Phát hiện này làm dấy lên hy vọng rằng những tác động tiêu cực mà virus này gây ra có thể hạn chế, không như những lo ngại lâu nay. Kết luận này mâu thuẫn với nghiên cứu trước đó cho rằng SARS-CoV-2 lây nhiễm các tế bào thần kinh tại niêm mạc khứu giác - nơi virus “đặt chân” đầu tiên sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. 

Trong nghiên cứu mới nay, các nhà khoa học Bỉ và Ðức khẳng định SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm cho các tế bào nâng đỡ có chức năng hỗ trợ cho các tế bào thần kinh khứu giác trong mũi, mà không phải các tế bào thần kinh cảm giác khứu trong niêm mạc khứu giác. 

HƯƠNG THẢO (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết