23/01/2020 - 09:24

Ngoại giao Việt Nam tỏa sáng 

KIẾN HÒA

Năm 2019, hình ảnh ngoại giao Việt Nam tỏa sáng đầy tự hào khi nước ta tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, đồng thời nhận được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021. 

“Cường quốc ngoại giao thế giới”

Việc Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội là sự khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế. Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên. Chúng ta được xem là hình mẫu khả thi cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Và chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng  kêu gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi theo con đường thịnh vượng của Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội, tháng 2-2019. Ảnh: Global Research

Giáo sư Nam Sung-wook, Đại học Hàn Quốc, cho rằng “Việt Nam là một nước mang tính biểu tượng về vai trò hòa giải vì hòa bình”. Trong khi đó, Bennett Murray, nhà báo Mỹ phụ trách văn phòng hãng tin Đức DPA tại Hà Nội, nhận định việc Việt Nam đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình giữa hai đối thủ có vũ khí hạt nhân thể hiện rõ vị thế của một quốc gia đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Còn theo Chủ tịch Viện Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc Lee Woong-Hyeon, sau khi tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ-Triều, Việt Nam khẳng định vị thế của một cường quốc ngoại giao thế giới.

Trách nhiệm ngày càng lớn

Tháng 6-2019, Việt Nam một lần nữa được các nước thành viên LHQ bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA lần này là vinh dự lớn và niềm tự hào dân tộc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra và tinh thần Chỉ thị 25/CT-TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, theo đó Việt Nam “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và LHQ”, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia đóng góp vào xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của LHQ trong việc duy trì hòa  bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm ngày càng lớn của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.

Dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là trọng trách rất lớn, “trách nhiệm kép” và cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh đây là niềm tự hào của khát vọng dân tộc.  

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, “nhiệm vụ kép” đặt ra nhiều vấn đề hơn với Việt Nam nhưng lại là sự bổ trợ cho nhau rất tốt. “Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, chúng ta có thể đại diện cho ASEAN tại LHQ và ngược lại, chúng ta cũng làm cầu nối của LHQ với ASEAN để triển khai các chương trình, các kế hoạch của ASEAN để đồng bộ với những mục tiêu của LHQ”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo tại thượng đỉnh G20, Nhật Bản tháng 6-2019. Ảnh: VGP/ QUANG HIẾU

Trong  bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, xuất phát từ các vấn đề đặt ra cho ASEAN cũng như căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. 

Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng trong tình hình căng thẳng và phức tạp hiện nay ở khu vực, việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên chính là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN đối phó và vượt qua các thách thức. Chẳng hạn, hiện nay chỉ còn Ấn Độ chưa đồng ý ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong khi 15 nước tham gia đàm phán còn lại đều nhất trí cho một hiệp định thương mại tự do có tổng giá trị tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN và các nước thành viên khác của RCEP cùng nhau nỗ lực thuyết phục Ấn Độ gia nhập hiệp định càng sớm càng tốt. Thêm nữa, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong vị thế là Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam cũng có cơ hội thể hiện rõ vai trò ngoại giao tích cực, giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đối ngoại trong những năm qua trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước, đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ bài viết