09/12/2012 - 08:46

Ngoại lệ nguy hiểm

Hãng tin Mỹ AP hôm qua cho biết, chính quyền của Thủ tướng Canada Stephen Harper đã chấp thuận để Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mua lại công ty Nexen, nhưng tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ thương vụ nào tương tự như thế trong tương lai. Đây được coi là vụ thâu tóm lớn nhất của một công ty nước ngoài nhằm vào một công ty thuộc quyền sở hữu nhà nước của Canada. Thương vụ này từng vấp phải sự phản đối dữ dội của phe đối lập ở "xứ sở lá phong", cho rằng chính phủ cầm quyền của đảng Bảo thủ sẽ "phạm tội phản quốc" nếu tán thành vụ mua bán trị giá 15,1 tỉ USD ấy. Tuy nhiên, Thủ tướng Harper nói ông đã cân nhắc rất kỹ trường hợp giao dịch của Nexen, nhận thấy "nó không đáng ngại", rằng đây là "trường hợp ngoại lệ" và việc chấp thuận cho CNOOC mua Nexen nên được xem như "đoạn kết chớ không phải là điểm bắt đầu của một xu hướng".

Có thể nói, chưa bao giờ chính phủ của Thủ tướng Harper lại đứng trước quyết định khó khăn đến như thế. Trước đây vào năm 2010, chính phủ của ông từng thẳng thừng bác bỏ đề xuất của liên doanh Anh-Úc BHP Billiton về việc mua lại Tập đoàn Potash của Canada, hay như nói "không" với việc bán hãng công nghệ vũ trụ MDA cho một công ty Mỹ vào năm 2008. Ấy vậy mà lần này, ông lại hết sức đắn đo, khi mà một bộ phận dư luận Canada lo ngại cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Canada nếu Nexen rơi vào tay công ty Trung Quốc, còn số khác thì cảnh báo mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh sẽ bị tổn hại nếu chính phủ khước từ thương vụ của CNOOC. AP cho biết, chính Thủ tướng Harper đã từng vận động Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Canada và nói rằng nguồn đầu tư nước ngoài là "cần thiết" cho việc phát triển các mỏ dầu và khí đốt khổng lồ của Canada.

Quả thực, chỉ riêng khu vực Alberta thôi đã đủ đưa Canada trở thành nước có nguồn dự trữ dầu lớn thứ ba thế giới, chỉ xếp sau Arabie Séoudite và Venezuela: Hơn 170 tỉ thùng dầu. Sản lượng khai thác 1,5 triệu thùng dầu/ngày hiện nay từ khu vực này hy vọng có thể tăng lên 3,7 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Trong khi đó, nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc lại khát năng lượng. Các công ty thuộc quyền sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào ngành năng lượng của Canada trong những năm gần đây. Nhiều nguồn tin cho biết từ khi thỏa thuận tiếp quản Nexen được đề xuất, CNOOC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu khí ở Calgary và Thủ hiến Alberta. Hơn 70% cổ đông của Nexen cũng đã bỏ phiếu chấp thuận sự tiếp quản của CNOOC. Và để giảm bớt lo ngại của Ottawa, CNOOC đã cam kết giữ trụ sở chính tại Calgary, niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Toronto và đặt một số tài sản có giá trị dưới sự kiểm soát của các nhà quản lý Nexen ở Canada.

Tuy nhiên, như đã đề cập, dư luận trong giới doanh nhân Canada cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng của Canada và tạo ra một sân chơi cạnh tranh không công bằng. Họ không muốn đất nước để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu chiến lược. Bình luận trên trang điện tử của AP sau thông tin chính phủ của Thủ tướng Harper đồng ý cho CNOOC mua Nexen, một bạn đọc có nickname là Timothy viết: "Đã quá trễ, Canada hãy sẵn sàng cho cuộc đổ bộ của Trung Quốc. Họ sẽ bắt đầu thay tất cả công nhân Canada bằng người Trung Quốc, sẽ đóng cửa các nghiệp đoàn, rồi chọn người vào chính phủ của bạn để bảo vệ lợi ích của họ… Bạn đã thua rồi".

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết