10/03/2018 - 07:47

Ngộ độc vì ăn cá nóc: Không nên chủ quan! 

Ngày 7-3-2018, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu 5 bệnh nhân (ở tỉnh Hậu Giang) bị ngộ độc do ăn cá nóc. Đến trưa 9-3-2018, trong 5 bệnh nhân thì có 2 ca nhẹ đã được chuyển lên Khoa Nội tiêu hóa và Huyết học lâm sàng, 3 ca còn lại đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. 

Bác sĩ Hà Tấn Đức, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: “Trong 3 bệnh nhân, 1 trường hợp bệnh nhân T.V.A (sinh năm 1974) có chuyển biến tốt, tỉnh, không còn thở máy, chuẩn bị chuyển lên Khoa Nội tiêu hóa – Huyết học lâm sàng, 2 trường hợp còn lại tiếp tục điều trị tích cực. Trong đó, trường hợp Đ.V.T (sinh năm 1976) còn nặng, đang thở máy, chưa tiên lượng được”. Theo bác sĩ Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hóa – Huyết học lâm sàng, mỗi năm Khoa tiếp nhận vài ca bị ngộ độc cá nóc. Gần đây, người dân biết rõ hơn thông tin về độc hại của cá nóc nên đưa bệnh nhân đến cấp cứu, điều trị sớm”.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực. 

Theo lời kể của bệnh nhân T.V.T, tối 6-3, anh đặt dớn được 1 rổ cá nóc khoảng 2kg. Trưa 7-3, anh rủ thêm mấy anh em trong xóm nấu lẩu cơm mẻ cá nóc. Tiệc nhậu vừa tàn, anh thấy lưỡi, móng tay tê rần, nên vội chạy về nhà, được người nhà đưa vào BV huyện cấp cứu và chuyển lên Cần Thơ. Đây cũng là lần đầu anh T. ăn cá nóc. Anh T. cũng khẳng định mình biết cá nóc có độc, nhưng nghe nhiều người nói khi làm cá chỉ cần bỏ hết nội tạng của cá là có thể ăn được bình thường. “Tôi cũng nghe trên báo đài nói cá nóc có độc nhưng nghe đồn ăn ngon nên ăn thử. Ai dè bị trúng độc. Lần này, còn sống là may rồi"- anh T. nói.

Còn bệnh nhân T.V.A cũng nhiều lần ăn cá nóc nhưng mấy lần trước không sao. Anh A.là một trong 3 bệnh nhân bị nặng. Khi vào BV huyện, anh A. đã ngưng tim, ngưng thở, được Trung tâm Y tế huyện cấp cứu và lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Khi vào viện, bệnh nhân này còn hôn mê sâu, giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng… Theo lời kể của người nhà anh A., thời gian qua, trong xóm cũng có nhiều người ăn cá nóc nhưng ít người bị ngộ độc và lầm tưởng cá nóc ở biển mới có độc. Trong bữa tiệc hôm 7-3, có 1 người không ăn, 1 người chỉ ăn 1 con nên không bị ngộ độc. 5 người còn lại do ăn cá nóc nhiều đều bị ngộ độc nặng, phải chuyển viện lên tuyến trên.

Bác sĩ Hà Tấn Đức cho biết: Chất độc cá nóc nằm nhiều ở gan, ruột, trứng, tinh hoàn… Mặc dù đã bỏ bộ đồ lòng nhưng trong quá trình chế biến, chất độc có thể lây nhiễm sang phần thịt, rất nguy hiểm. Cá nóc có nhiều loại, có loại có độc và có loại không, nhưng không thể phân biệt được loại nào có độc và loại nào không có. Vì thế, tuyệt đối không nên ăn. Sau khi ăn từ 15 phút đến vài giờ, bệnh nhân có các triệu chứng ngộ độc như: tê môi, hàm, lưỡi, từ từ lan toàn thân, mệt, tuột huyết áp, liệt cơ hô hấp… Khi có biểu hiện ngộ độc, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế (có máy thở) để kiểm soát tim mạch, hô hấp. Chất độc cá nóc gây liệt cơ hô hấp, nếu không có máy thở, bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Bệnh nhân nặng là do lượng chất độc vào cơ thể nhiều. Sau điều trị, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, không để lại di chứng.

Chất độc của cá nóc tập trung ở da, ruột, gan, tinh hoàn, trứng cá… Con cái độc hơn con đực. Chất độc đó gọi là tetrodotoxin (TTX). Chất độc tetrodotoxin (TTX) C11H17 O8N3 là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao. Ở Việt Nam đã thống kê được hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc.  Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

H.HOA

Chia sẻ bài viết