19/09/2012 - 22:28

Nghi kỵ sâu sắc

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 18-9 quyết định hoãn hợp tác vô thời hạn với hầu hết các đơn vị chiến đấu và tuần tra của lực lượng an ninh Afghanistan sau hàng loạt cuộc tấn công của chính lực lượng "nước chủ nhà" nhằm vào các đồng minh phương Tây. Dù đây chỉ là biện pháp tạm thời trong bối cảnh Chính phủ Afghanistan đang trong quá trình xem xét, thanh lọc lại lực lượng an ninh đầy hỗn tạp của mình, đặc biệt là giữa lúc làn sóng biểu tình bạo lực chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo, trong đó có Afghanistan, bắt đầu từ hôm 11-9 để phản đối bộ phim phỉ báng đấng tiên tri Mohammed, vẫn chưa kết thúc, nhưng làm dấy lên những hoài nghi của dư luận phương Tây về tương lai của đất nước Nam Á này khi lực lượng an ninh quốc tế rút lui vào năm 2014.

 Binh sĩ NATO (phải) và lính Afghanistan. Ảnh: AP

Còn nhớ trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí tại Nhật Bản hôm 17-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tự tin nói rằng các cuộc "tấn công nội bộ" gây thương vong lớn liên tiếp xảy ra ở Afghanistan là "một nỗ lực hấp hối cuối cùng của Taliban sau khi đã thất bại trong cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ trước liên quân". Tư lệnh NATO tại Afghanistan, Tướng thủy quân lục chiến người Mỹ John Allen hồi đầu tháng rồi cũng tuyên bố: "Cái mà chúng ta học được sau những sự cố đẫm máu từ bên trong là nếu chúng ta càng tăng cường mối quan hệ anh em với lực lượng an ninh Afghanistan thì chúng ta càng an toàn hơn". Tuy nhiên, phát biểu với hãng tin Reuters, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho biết Tướng 4 sao Allen và các chỉ huy khác không có lựa chọn nào khác khi số thương vong của lính Mỹ và NATO ngày một tăng cao. Từ đầu năm 2012 đến nay đã xảy ra 36 vụ quân "áo xanh lam" (Afghanistan) xả súng vào quân "áo rằn ri" (Mỹ và NATO), làm chết ít nhất 51 lính liên quân, tăng hơn 45% trường hợp tấn công tương tự hồi năm 2011.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai mới đây đã cam kết sẽ "soi" mọi lý lịch tuyển dụng nhân viên an ninh mới, nhưng các quan chức NATO hôm 18-9 nói rằng lời hứa đó khó thực thi một cách chặt chẽ. Đại tá Richard Kemp, cựu tư lệnh quân đội Anh tại Afghanistan, nhận xét việc kiểm tra lý lịch là một điều bất khả thi tại đất nước còn nhiều bất ổn như vậy. Afghanistan hiện có 352.000 binh lính và cảnh sát, dù rất mỏng manh và non kém so với nhu cầu nhưng việc kiểm tra thật giả lực lượng này không hề đơn giản.

Shashank Joshi, chuyên gia Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng hoàng gia Anh cho rằng quyết định của NATO là "biểu tượng của vấn đề thiếu lòng tin sâu sắc giữa Mỹ và Afghanistan". Sự nghi kỵ đã thể hiện rõ hồi đầu tháng 9 khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ ngưng huấn luyện cho 1.000 nhân viên cảnh sát địa phương Afghanistan.

Hậu quả của việc ngưng hợp tác giữa NATO và Afghanistan là gì? Các nhà phân tích cho rằng nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng sứ mạng chuyển giao quyền đảm bảo an ninh cho chính phủ nước này vào năm 2014. Rồi từ nay cho đến ngày ấy, sự chia cắt giữa hai bên có thể tạo cơ hội cho Taliban và al-Qaeda trỗi dậy mạnh mẽ và gieo rắc nỗi khiếp sợ lớn hơn, kinh hoàng hơn.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết