07/03/2024 - 23:37

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn sống độc thân 

NGUYỆT CÁT

Cảm thấy bất an vì tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục và suy thoái kinh tế kéo dài, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc đang đi theo "chủ nghĩa độc thân".

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thích cuộc sống độc thân hơn.

Chai Wanrou, chuyên viết bài quảng cáo và làm việc tự do, là một phụ nữ điển hình của phong trào đang nổi lên ở Trung Quốc, trong đó định hướng về một tương lai "không chồng, không con". Cô gái 28 tuổi này cho rằng hôn nhân là sự ràng buộc không công bằng. "Bất kể bạn cực kỳ thành công hay chỉ bình thường, phụ nữ vẫn là người phải hy sinh nhiều nhất ở nhà. Ở các thế hệ trước, nhiều phụ nữ lấy chồng đã phải hy sinh bản thân và sự nghiệp, mà không có được cuộc sống hạnh phúc như họ được hứa hẹn. Ngày nay, sống tốt cuộc đời của mình đã đủ khó khăn" - Chai nói với phóng viên Reuters lý do muốn sống độc thân.

Theo dữ liệu chính thức, dân số độc thân trên 15 tuổi ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Còn theo khảo sát của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, thực hiện trên 2.900 thanh niên thành thị độc thân năm 2021, có 44% phụ nữ cho biết không có ý định kết hôn.

Kết hôn được xem là cột mốc quan trọng của người trưởng thành, nhưng tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc có chiều hướng giảm và độ tuổi kết hôn ngày càng tăng, thách thức các nỗ lực thúc đẩy dân số của chính phủ nước này. Năm 2022, số lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử, chỉ 6,83 triệu cặp, ít hơn 800.000 cặp so với năm trước. Một dấu hiệu khác cho thấy xu hướng giảm dân số sẽ còn tiếp diễn, đó là nhiều người đang trì hoãn lập gia đình. Ðộ tuổi trung bình kết hôn lần đầu đã tăng từ 24,89 tuổi vào năm 2010 lên 28,67 tuổi vào năm 2020. Con số này tại Thượng Hải là 30,6 tuổi với nam và 29,2 tuổi với nữ.

Khi dân số quốc gia sụt giảm năm thứ hai liên tiếp và số ca sinh mới thấp kỷ lục vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi toàn xã hội "nuôi dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con", cũng như "hướng tới một xã hội thân thiện với việc sinh con" và thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Ðáng nói là lối sống độc thân đang dần trở nên phổ biến ở Trung Quốc, thúc đẩy sự ra đời của các cộng đồng trực tuyến mà người tham gia đa phần là phụ nữ, đang tìm kiếm sự đồng tình của những người cùng chí hướng.

Các bài đăng gắn thẻ (hashtag) "Không kết hôn, không sinh con" của những phụ nữ 30-40 tuổi có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Xiaohongshu - hay Tiểu Hồng thư (tương tự Instagram) thường nhận được hàng ngàn lượt "thích". Một diễn đàn chống hôn nhân trên mạng xã hội Douban đã thu hút 9.200 thành viên tham gia, trong khi một diễn đàn khác đề cao "chủ nghĩa độc thân" cũng có 3.600 thành viên, thường xuyên thảo luận về kế hoạch nghỉ hưu tập thể.

Trong một bài đăng trên mạng nhắn tin WeChat, Liao Yueyi - một nữ sinh 24 tuổi mới tốt nghiệp đại học và đang thất nghiệp ở thành phố Nam Ninh - cho biết cô quyết định sẽ không kết hôn hay sinh con sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và tiết lộ bố mẹ cũng chấp nhận. Thay vào đó, Liao quyết định "nằm thẳng" (thuật ngữ ám chỉ lối sống chỉ đi làm vừa đủ để trang trải cuộc sống) và tiết kiệm tiền để đi du lịch.

Nhiều phụ nữ được Reuters phỏng vấn cho biết mong muốn khám phá bản thân, bất mãn với tính gia trưởng của nam giới trong gia đình và không gặp đối tượng vừa ý là những yếu tố chính khiến họ quyết định sống độc thân và không sinh con. Mặt khác, bình đẳng giới cũng đóng một vai trò quan trọng trong quyết định sống "không chồng, không con" của nhiều phụ nữ Trung Quốc, những người cho biết rất khó tìm được một người đàn ông tôn trọng quyền tự chủ của phụ nữ và chịu chia sẻ công việc gia đình.

Chia sẻ bài viết