07/10/2024 - 10:26

Năng động làm giàu 

Giữa ánh nắng trưa gay gắt, những chuyến xe tải chất đầy ắp rau củ vẫn nối đuôi nhau về điểm tập kết tại nhà anh Hồ Văn Nhựt, ngụ ấp Ðông Phước, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ. Hơn 7 năm mở vựa thu mua nông sản, công việc kinh doanh giúp anh Nhựt có nguồn thu nhập ổn định và còn là “cầu nối” tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh đó, anh Nhựt còn được bà con biết tiếng, ngợi khen bởi là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thành công trên nhiều lĩnh vực.

Anh Hồ Văn Nhựt (bên trái) tất bật chuẩn bị rau củ để vận chuyển đến các đầu mối thu mua. 

Sinh trưởng trong một gia đình gốc nông dân, từ nhỏ, anh Nhựt đã gắn bó với ruộng vườn. Trong quá trình lao động, anh nhận thấy nông dân rất vất vả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, hơn 7 năm qua, anh thu mua các loại nông sản sẵn có ở địa phương. Theo anh Nhựt, thời điểm đầu, mô hình kinh doanh còn nhỏ lẻ, hoạt động gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nguồn hàng không ổn định, không đạt chất lượng... Ðể giải quyết bài toán nguồn hàng nông sản, anh Nhựt liên kết với các nhà vườn trong và ngoài địa phương để cung ứng giống, nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân ngay từ đầu mùa vụ. Bên cạnh đó, anh hỗ trợ những nông dân có hoàn cảnh khó khăn mượn vốn không lãi để canh tác. Anh cũng là người trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác để nông sản đạt yêu cầu về mẫu mã và chất lượng.

Hiện nay, anh Nhựt đang liên kết 40-50 hộ nông dân trên địa bàn xã Ðông Hiệp và các xã, các tỉnh thành lân cận với tổng diện tích bao tiêu khoảng 30ha. Chia sẻ về cách làm của mình, anh Nhựt lý giải: “Thay vì chỉ thu mua nông sản, tôi định hướng bao tiêu để tạo nguồn hàng ổn định, giữ uy tín với đầu mối. Mặt khác, với người nông dân, tôi cố gắng giữ giá thu mua bình ổn nhất, với mong muốn hỗ trợ nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế”. Với phương châm “lấy uy tín là tiêu chí hàng đầu”, đến nay, anh Nhựt đã xây dựng được thương hiệu uy tín với các đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh. Số lượng nông sản thu mua ngày càng lớn. Trung bình mỗi ngày, anh Nhựt cung ứng khoảng 3-6 tấn nông sản đến các đầu mối, giá bán bình ổn 7.000-8.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm. Cũng từ mô hình kinh doanh thu mua nông sản, anh Nhựt tạo điều kiện cho 12 lao động địa phương có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, anh Nhựt được nhiều người biết tiếng bởi là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tiên phong nuôi yến trên địa bàn xã Ðông Hiệp. Hướng dẫn chúng tôi tham quan nhà nuôi yến, anh Nhựt bộc bạch: “Cơ duyên đến với nghề nuôi yến của tôi cũng bất ngờ. Nhận thấy có nhiều chim yến trong vùng và mô hình này mang đến nhiều lợi ích bởi chim yến là loài thiên địch, trợ thủ cho việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, phân chim yến có thể bón cho cây trồng. Từ những lợi ích này, tôi đã dành thời gian học hỏi kinh nghiệm nuôi chim yến từ bạn bè, sách báo”. Dám nghĩ, dám làm, cuối năm 2019, từ nguồn vốn tích cóp và vay ngân hàng, anh Nhựt mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nuôi yến rộng 108m2 với vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Ðến nay, nhà yến có hơn 4.000 con chim yến trú ngụ. Trung bình mỗi năm, nhà yến thu hoạch hơn 30kg tổ yến, mang về lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, mô hình nuôi yến của anh Nhựt còn tạo việc làm cho 3 lao động nữ tại địa phương với thu nhập 300.000 đồng/ngày từ công việc nhặt lông, làm sạch tổ yến thô sau thu hoạch.

Cùng với đó, anh Nhựt đang trồng sa pô, mận và vú sữa Hoàng Kim trên diện tích 2ha đất vườn. Mô hình này dự kiến mang lại cho gia đình anh Nhựt khoản thu nhập khả quan trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Ðỏ, nhận xét: “Anh Nhựt là một tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh đã năng động, dám nghĩ dám làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực mới giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động”.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết