14/11/2013 - 08:07

Nâng cao ý thức trong phòng chống bệnh đái tháo đường

Hiện nay, số lượng người mắc bệnh đái tháo đường, chủ yếu là đái tháo đường typ 2 đang tăng lên nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo kết quả điều tra dịch tễ học toàn quốc năm 2002, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chỉ chiếm 2,7% dân số, tuy nhiên năm 2008 đã tăng lên 5,7%. Điều tra này cũng cho thấy có tới 65-70% bệnh nhân đái tháo đường typ 2 không được chẩn đoán và điều trị, một phần do nguyên nhân người dân thiếu kiến thức hiểu biết về bệnh. Mặt khác vì bệnh đái tháo đường typ 2 diễn biến âm thầm trong một thời gian dài mà không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng ở thời điểm chẩn đoán.

Tự giác trong phòng bệnh

Theo Tiến sĩ (TS) Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa, Trường Đại học Y Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường gia tăng là những thay đổi về lối sống. Người ta không chú ý đến chế độ dinh dưỡng một cách khoa học, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, lối sống tĩnh tại. Một số cha mẹ không biết cách chăm sóc con cái dẫn đến "bồi dưỡng" quá mức, trong khi đó trẻ em hiện nay thường bị ảnh hưởng, cuốn hút bởi những trò chơi điện tử trên máy tính, gameonline…, ít vận động nên dễ bị thừa cân, béo phì và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cũng cao.

Lấy máu xét nghiệm đường huyết phát hiện sớm bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế phường Hưng Phú, quận Cái Răng.

Như chúng ta đã biết, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh đái tháo đường typ 2 sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng về mắt gây mù lòa, tổn thương thần kinh ngoại vi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử gây loét bàn chân phải cắt cụt chi…

Theo TS Bình, vấn đề phòng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của mỗi người dân, khi có ý thức, hiểu biết về bệnh đái tháo đường, họ mới tìm những yếu tố nguy cơ để dự phòng. Đồng thời, chủ động sàng lọc để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm giảm sự tiến triển của bệnh và những biến chứng nguy hiểm.

Tăng cường sàng lọc những yếu tố nguy cơ

Thời gian qua, được sự hỗ trợ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường tại TP Cần Thơ đã được triển khai từ năm 2010 tại một số xã/phường với mục tiêu tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm, quản lý các đối tượng tiền đái tháo đường và người bị đái tháo đường typ 2 tại cộng đồng nhằm giảm sự tiến triển của bệnh và các biến chứng. Đến nay, toàn thành phố đã có 19 xã/phường tham gia dự án với hoạt động chủ yếu tư vấn, quản lý bệnh nhân đái tháo đường, khám sàng lọc, xét nghiệm đường huyết cho các đối tượng từ 45 đến 69 tuổi có những yếu tố nguy cơ như: thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI trên 23), tăng huyết áp vô căn (từ 130/85mmHg trở lên), tiền sử gia đình có người thân thuộc thế hệ cận kề (bố mẹ, anh chị em ruột…) mắc đái tháo đường type 2, phụ nữ sinh con từ 3,8kg trở lên hoặc có tiền sử sản khoa đặc biệt (sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, thai chết lưu…), người bị rối loạn dung nạp glucose...

BS Dương Phước Long, Trưởng khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã sàng lọc cho khoảng 29.204 đối tượng. Riêng năm 2012, trong số 6.912 đối tượng khám sàng lọc, đã phát hiện 517 người bị tiền đái tháo đường và 302 người đái tháo đường. Hoạt động này không chỉ giúp phát hiện sớm người bị đái tháo đường và tiền đái tháo đường trong cộng đồng, từ đó có kế hoạch quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị, giúp người bệnh ngăn ngừa biến chứng, giảm chi phí điều trị, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh đái tháo đường.

Y sĩ Trần Thị Hạnh, Trưởng trạm Y tế phường Hưng Phú, quận Cái Răng cho biết: từ khi tham gia dự án, được Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng quận hỗ trợ, phường đã tổ chức tốt việc triển khai hoạt động khám sàng lọc, quản lý bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn. Sau khi lập kế hoạch, rà soát các đối tượng nguy cơ, phường đã gửi thư mời cho các đối tượng lên khám. Thời gian tổ chức mỗi đợt khám sàng lọc từ 5-8 giờ sáng, trước đó, thư mời cũng hướng dẫn dặn người dân khi đến khám cần nhịn ăn sáng để có kết quả chính xác. Người đến khám sẽ được cán bộ y tế của phường cân, đo chiều cao, vòng eo, huyết áp, xét nghiệm đường huyết miễn phí... Sau khi có kết quả, Trạm Y tế phường lập danh sách người mắc bệnh để quản lý, theo dõi bệnh nhân, tư vấn cách chăm sóc ăn uống, vận động, kiểm soát tốt đường huyết và giới thiệu đến cơ sở chuyên khoa điều trị. Ngoài ra với những đối tượng không bị mắc bệnh đái tháo đường, người dân cũng được tư vấn về tác hại của bệnh, những biến chứng nguy hiểm, chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất xơ...) và tăng cường tập luyện thể lực để giúp mọi người nâng cao nhận thức trong vấn đề dự phòng.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết