03/09/2019 - 15:15

Nạn đói hoành hành châu Phi 

Hạn hán nghiêm trọng và bạo lực tiếp diễn tại Đông Phi đã khiến khoảng 9 triệu người ở Somalia và Nam Sudan đứng trước nguy cơ bị đói, buộc Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) gần đây phải khẩn thiết kêu gọi thế giới cần có hành động sớm và tăng cường hỗ trợ.

Người dân Somalia đói khổ do hạn hán và bạo lực kéo dài. Ảnh: Guardian

Người dân Somalia đói khổ do hạn hán và bạo lực kéo dài. Ảnh: Guardian

Sau hơn 5 năm xung đột, Nam Sudan vẫn là một trong những quốc gia bấp bênh về lương thực nhất trên thế giới. Gần 7 triệu người dân nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và 21.000 người sống trong điều kiện đói khát.

Trong khi đó, Somalia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo mới khi mà hơn 2 triệu người dân nước này bị nạn đói đe dọa và hơn 3 triệu người khác không chắc chắn về bữa ăn tiếp theo của họ. Cuộc4 khủng hoảng lương thực tại Somalia trở nên trầm trọng hơn giữa lúc xung đột giữa lực lượng nổi dậy Hồi giáo al-Shabaab và quân đội chính phủ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, khoảng 860.000 trẻ em tại Nam Sudan và gần 1 triệu trẻ em tại Somalia được dự báo bị suy dinh dưỡng cấp trong năm nay, trong khi việc tiếp cận điều trị lại không được đảm bảo. Để giúp giải quyết tình trạng này, IRC đã triển khai hơn 400 nhân viên đến Nam Sudan để ứng phó với cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng, thông qua các hỗ trợ về y tế, dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ trẻ em cũng như tạo sinh kế cho người dân. Được biết, IRC là một trong những nhà viện trợ lớn nhất tại Nam Sudan, cung cấp hỗ trợ cho hơn 900.000 người.

Báo cáo năm 2019 của Tổ chức Lương Nông LHQ về an ninh lương thực cho biết, số người đói trên toàn cầu đạt mức 821 triệu. Trong đó, châu Phi chiếm 31%, với khoảng 251 triệu người.

Tại Somalia, IRC cũng đang hoạt động và mở rộng các chương trình viện trợ. IRC hiện đang hỗ trợ các gia đình đối phó với hạn hán thông qua việc chăm sóc y tế cho trẻ em bị suy dinh dưỡng, chuyển tiền mặt vô điều kiện để giúp họ mua sắm những thứ cần thiết, giúp phục hồi giếng khoan, nguồn nước, cung cấp dịch vụ y tế lưu động để tiếp cận sâu hơn vào các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Còn tại Zimbabwe, hơn 2 triệu người cũng rơi vào tình trạng tương tự sau đợt hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực. “Chúng tôi đang đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng không giống như bất kỳ đợt hạn hán nào mà chúng tôi từng chứng kiến” - David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (LHQ), cho biết.

Theo CNN, LHQ và Chính phủ Zimbabwe đã triển khai chương trình kêu gọi cứu trợ nhân đạo với số tiền 331 triệu USD để giúp những người bị ảnh hưởng tại quốc gia Nam Phi này. Quỹ Nhi đồng LHQ trong một báo cáo cho biết gần 5,5 triệu người, tức 1/3 dân số Zimbabwe, cần được hỗ trợ lương thực vào năm 2020.

Hiện Zimbabwe đang hứng chịu tác động của đợt hạn hán xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 5 năm nay. Đợt hạn hán đã làm cạn kiệt nguồn nước, khiến hơn 2 triệu người không thể tiếp cận được nước sạch. Không những vậy, Zimbabwe cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, gây thiệt hại tới phúc lợi của công dân nước này.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, CNN)

Chia sẻ bài viết