|
Biểu tượng của Eurozone đang lung lay. |
Đó là cảnh báo của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 19-12 giữa lúc Anh từ chối đóng góp vào quỹ giải cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho các nước đang ngập chìm trong nợ.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Draghi khẳng định áp lực trên thị trường trái phiếu trong quý I năm tới sẽ “thực sự rất to lớn” khi hàng trăm tỉ euro tiền nợ đến kỳ đáo hạn. Trên thực tế, quá trình huy động vốn trên thị trường trái phiếu đối với ngay cả những thành viên lớn của Khu vực đồng euro (Eurozone) như Ý và Tây Ban Nha đang ngày càng khó khăn. Trong khi đó, luồng tín dụng liên ngân hàng và từ ngân hàng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng dần cạn kiệt. Tình trạng khan hiếm tín dụng có thể gây ra một đợt suy giảm nữa trong tăng trưởng kinh tế, và có thể là một cuộc suy thoái. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước sức ép phải tăng cường khả năng đề kháng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công lan nhiễm tới các thành viên khỏe mạnh và hạ gục hệ thống ngân hàng khu vực. Bản thân ECB cũng bị gây sức ép phải tham gia việc cho các chính phủ thành viên của Eurozone vay tiền trong trường hợp khẩn cấp, bằng cách mua trái phiếu của họ. Tuy nhiên, ECB và Đức phản đối đề nghị này vì sợ rằng chính uy tín tài chính của ECB sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, kế hoạch bơm 200 tỉ euro cho IMF trở nên bấp bênh sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói với những người đồng cấp trong EU rằng xứ sương mù sẽ không thực hiện phần đóng góp 25 tỉ bảng (khoảng 30 tỉ euro). Anh vẫn giữ vững lập trường của mình mặc dù trước đó, Đức đã “xuống nước nhỏ” khi Ngoại trưởng Guido Westerwelle khẳng định châu Âu không có kế hoạch bí mật nào nhằm làm suy yếu trung tâm tài chính Luân Đôn. Đến nay, IMF cho biết mới nhận được 150 tỉ euro từ các thành viên Eurozone.
Tuy nhiên, Berlin vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng mở lại các cuộc đàm phán về một số biện pháp bảo vệ thị trường tài chính Luân Đôn - vấn đề đã khiến Anh phủ quyết đề xuất sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Ngoại trưởng Đức Westerwelle cho biết đây là nỗ lực nhằm khôi phục mối quan hệ bị rạn nứt với Anh sau hội nghị thượng đỉnh EU hồi thượng tuần tháng 12. Khi được hỏi liệu Anh có thể chấp thuận hiệp ước mới vì vận mệnh đồng euro, ông Westerwelle tin tưởng đáp: “Cùng với thiện chí, điều đó là có thể”. “Chúng ta có chung số phận. EU không chỉ là lời giải cho chương đen tối nhất trong lịch sử của chúng ta, mà còn là chỗ dựa của chúng ta trong thời đại toàn cầu hóa, bởi không một nước nào, kể cả Đức, Anh hay Pháp, đủ lớn mạnh để một mình đương đầu với những thách thức của toàn cầu hóa”, ông nói thêm.
THANH TRÚC (Theo Guardian)