15/07/2009 - 07:34

NAM hướng đến mục tiêu vì hòa bình và phát triển

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng  sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NAM tại Sharm el-Sheikh. Ảnh: AFP 

Hôm nay 15-7, hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ XV khai mạc tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Với chủ đề “Đoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển”, trong 2 ngày hội nghị, các đại biểu đến từ hơn 140 nước sẽ thảo luận nhiều vấn đề nổi cộm của thế giới và đưa ra kế hoạch hành động của NAM trong 3 năm tới.

Hội nghị thượng đỉnh NAM lần này dự kiến thông qua hai văn kiện chủ yếu là Văn kiện cuối cùng và Tuyên bố Sharm el-Sheikh. Văn kiện cuối cùng khẳng định quan điểm chung của NAM về các vấn đề nêu trong chương trình nghị sự, còn Tuyên bố Sharm el-Sheikh tập trung vào sự phát triển nội khối.

Được thành lập tháng 9-1961, NAM hiện có 118 nước thành viên, đại diện cho gần 2/3 số thành viên của LHQ, và chiếm 56% dân số thế giới. Hội nghị thượng đỉnh NAM được tổ chức 3 năm một lần. Năm nay, Ai Cập tiếp nhận chức chủ tịch NAM từ Cuba.

Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Abdul Gheit cho biết tuyên bố của NAM sẽ tương đồng với những sáng kiến mà Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sẽ đưa ra tại hội nghị quốc tế về chống khủng bố và khu vực Trung Đông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, diễn ra ở Mát-xcơ-va cuối năm nay. Ai Cập muốn đưa vấn đề Palestine vào Văn kiện cuối cùng nhằm gây sức ép với Israel về việc thành lập một nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem. Tuy nhiên, Ủy ban Bộ trưởng NAM về Palestine sẽ đưa ra tuyên bố riêng về vấn đề này. NAM nhấn mạnh lộ trình hòa bình Trung Đông cần được xem xét nghiêm túc và toàn diện, đồng thời chỉ trích sự chiếm đóng của Israel ở các vùng lãnh thổ của Palestine.

Một sự kiện bên lề hội nghị nhưng được dư luận chú ý là cuộc gặp giữa lãnh đạo hai cường quốc hạt nhân ở Nam Á: Ấn Độ và Pakistan. Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh hy vọng sẽ nối lại đàm phán hòa bình giữa hai nước nhân sự kiện này. Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên cực kỳ căng thẳng sau vụ đánh bom làm 166 người chết ở Mumbai hồi cuối năm ngoái, mà New Delhi cáo buộc là do tổ chức nổi dậy Lashkar-e-Taiba ở Pakistan gây ra.

Trong khi đó, sự tồn tại của NAM vào thời điểm hiện nay cũng được bàn luận tại hội nghị. Phong trào không liên kết thực ra là sản phẩm của Chiến tranh lạnh, nhằm mục đích để các nước đang phát triển có tiếng nói trong thời kỳ đó, khi đa số các nước đang phát triển bị tác động bởi cuộc đối đầu giữa hai phe chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 và chấm dứt Chiến tranh lạnh, NAM bắt đầu đối mặt với những thay đổi lớn về một trật tự thế giới đa cực, thậm chí ngay trong các nước NAM. Thế nhưng, theo Mohamed Jamal, giám đốc trung tâm nghiên cứu các nước đang phát triển tại Đại học Cairo, NAM vẫn cần phải tồn tại như một cơ chế cho các nước khác nhau thu hẹp những bất đồng, tiến tới hợp tác đa phương và có vị thế trong cuộc ngã giá với các cường quốc.

N.MINH (Theo AFP, WSJ, THX)

Chia sẻ bài viết