01/02/2022 - 00:00

Năm Dần, kể chuyện thờ Ông Hổ ở đình Bình Thủy 

Xuân Nhâm Dần 2022

 

Thờ Ông Hổ là tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Nam Bộ. Ông Hổ, Ông Cọp hay Cả Cọp, Ông Ba Mươi... là những cách gọi tôn kính của người Nam Bộ dành cho loài vật đã “chạm trán” với họ ngay từ thuở khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất mới.

Cũng như bao ngôi đình làng khác ở Nam Bộ, đình Bình Thủy (Cần Thơ) vẫn giữ cổ lệ thờ Ông Hổ với những lễ nghi cúng tế đặc trưng; cùng những giai thoại về cọp ở Bình Thủy. Đầu Xuân Nhâm Dần, chuyện xưa xin kể...

Người Nam Bộ thờ cọp phổ biến ở đình làng, bằng một ngôi miếu riêng, trong khuôn viên đình. Miếu đó, có nơi gọi là miếu Sơn Quân, có nơi gọi là miếu Thần Hổ, miếu Bạch Hổ hay miếu Thần Bá Sơn Lâm... Cũng có nhiều nơi lập riêng miếu để thờ cọp, đáo lệ cúng tế long trọng.

“Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” là cảnh tượng mà những lưu dân gặp phải trong quá trình khai phá vùng đất phương Nam. Lưu dân và loài hổ “chạm trán” nhau trong quá trình khai khẩn. Người buộc phải tìm diệt hổ để có nơi định cư, bảo vệ mình. Hổ cũng ra sức bảo vệ cõi sơn lâm. Những truyện dân gian Nam Bộ đặc sắc về cuộc chiến này phải kể đến như “Sự tích Mồ Thị Cư”, “Sự tích Mồ Thị Hương”...

Tình thế buộc phải vậy nhưng tận trong tâm thức lưu dân, cọp luôn là thế lực thiêng liêng, đại diện cho đấng thần linh của đất, của rừng nên lưu dân luôn giữ tâm thế kiêng dè, tôn kính. Người Nam Bộ tôn Ông Cọp làm Hương Cả, gọi là Hương Cả Cọp. Từ đó có cách lý giải vì sao trong gia đình Nam Bộ không gọi người con lớn là con Cả (như các vùng, miền khác) mà gọi là thứ Hai. Với tâm lý kính nhường Cả Cọp, lưu dân gọi con mình là Hai, thay vì Cả, như một kiểu “kỵ húy”.

Tâm lý “rừng nào cọp đó” của người Nam Bộ thời khẩn hoang khiến họ sẵn sàng “lùi một bước biển rộng trời cao”. Họ buộc phải đấu tranh với cọp vì sự sống nhưng lại lập miếu thờ cọp một cách tôn kính. Điều này cho thấy tính đa chiều trong văn hóa tín ngưỡng của người lưu dân và cũng cho thấy tín ngưỡng thờ cọp có từ rất lâu đời ở Nam Bộ.

Viếng Ông Hổ trong chánh tẩm đình Bình Thủy.

Viếng Ông Hổ trong chánh tẩm đình Bình Thủy.

*   *    *

Rằm tháng Chạp, khi trời đã trở Xuân, cũng là lúc đình Bình Thủy đáo lệ Kỳ yên Hạ Điền. Nghiêm cẩn trong bộ áo dài khăn đóng, thành kính chắp tay cùng ba nén nhang tỏa khói linh thiêng, ông Phạm Văn Huế, Trưởng Ban Trị sự Đình Bình Thủy và ông phó ban Lê Văn Mười cung kính khấn nguyện bên miếu Sơn Quân, cầu Sơn Quân phù hộ, ban phước lành cho quê hương, làng xóm.

Ngồi bên miếu Sơn Quân, dưới cội đa già, ông Tám Huế kể rằng, Tế Sơn Quân là một nghi lễ quan trọng trong mỗi lần cúng Kỳ yên. Tế Sơn Quân được tổ chức vào ngày lễ chính, ngay sau Lễ Chánh Tế. Điều đặc biệt, có lẽ là trường hợp cá biệt trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, ngoài miếu Sơn Quân, ngay trong chánh tẩm của đình, bên dưới bàn thờ Thần của đình Bình Thủy, có thờ một xác Ông Hổ rất lớn, trong tư thế hổ phục, mặt ngẩng về phía trước. Theo ông Tám Huế, xác Ông có từ rất lâu đời, linh thiêng, và vẫn được dân làng nhang khói sớm hôm, với trọn tấc lòng thành.

Trong quá trình sưu khảo về tín ngưỡng thờ cọp ở đình Bình Thủy, chúng tôi may mắn có trong tay quyển in roneo mang tên “Đình Thần Long Tuyền” của cụ Nguyễn Tứ Di - một bậc trưởng thượng ở làng cổ Long Tuyền thuở trước. Trong quyển này, cụ Nguyễn Tứ Di dành gần 3 trang để nói về miếu Sơn Quân. Theo đó đời xưa, đầu năm có lệ cấm việc phá rừng hay làm ruộng trong 7 ngày Tết. Tục lệ này được tuân thủ tuyệt đối, gọi là “cấm nhặt”, không ai được phép đốn một nhánh cây, để yên cho rừng. Người xưa tin rằng, trong 7 ngày Tết, Thần Bạch Hổ bảo hộ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho heo nai phá hoại mùa màng. Nhớ ơn huệ đó mà dân làng Long Tuyền cất miễu Sơn Quân thờ Thần Bạch Hổ ngay trong Long Tuyền cổ miếu - tức di tích Đình Bình Thủy bây giờ.

Trong quyển này, cụ Nguyễn Tứ Di còn thuật lại một tục lệ rất hay rằng, hồi xưa ở làng Long Tuyền, người làm xã trưởng một năm thì nghỉ việc, thế người khác. Ngày mùng Bảy Tết là cúng Khai sơn, hạ nêu, ông xã trưởng mới sẽ cúng ra mắt Ông Hổ với lễ vật là một con heo và ít vật phẩm như xôi, bánh, trà, rượu... Khi cúng thì có nhạc và văn tế. Ông xã trưởng cũ cũng cúng tạ ơn linh thần một con heo và vật phẩm vì những phước đức linh thần ban cho trong một năm tại vị.

Theo miêu tả của cụ Nguyễn Tứ Di, việc cúng Sơn Quân để “chuyển giao quyền lực” giữa hai ông xã trưởng cũ và mới diễn ra hết sức long trọng, linh thiêng, có nhạc lễ, học trò lễ, đủ bộ thức, văn tế. Chúc văn tôn bái “Cao nhai chủ tể lý lâm quân bách thú độc tôn chi vị” (nghĩa là: Trên sườn núi cao chỉ có một mình ta làm chúa tể, sửa trị cả trăm ác thú trong rừng), người tế lễ cúi đầu đãnh lễ Sơn Quân chi Thần: “Tín tế tự duy thành nhi kỷ, nguyện kỳ chiếu lâm giám tư thành ý, ngưỡng lại anh linh tứ dĩ phước phục” (nghĩa là: Tinh khiết cúng tế tưởng nhớ thành thật như vậy. Những điều mong mỏi soi xét ấy thật trong lòng. Ngưỡng lên ỷ lại thiên tư trời sinh cho nói phước. Cúi đầu tưởng nhớ, xin thần cho ơn huệ”.

Lễ Tế Sơn Quân ở đình Bình Thủy dịp Kỳ yên Thượng điền.

Lễ Tế Sơn Quân ở đình Bình Thủy dịp Kỳ yên Thượng điền.

*   *    *

Nói về chuyện thờ Ông Hổ ở đình Bình Thủy, người dân làng Bình Thủy - Long Tuyền hay kể về tích xưa. Ông Văn Thiết Phú, người trông coi Miễu Ông ở phường Long Tuyền, kể rằng, thời mở đất của tổ tiên, vùng đất nơi đây toàn là rừng hoang, lau sậy, cọp đến ở rất nhiều. Cọp phá phách, bách hại dân làng. Đêm trăng nọ, Ông Bạch Hổ từ đâu xuất hiện, đại chiến với Ông Cọp Rằn - thường phá phách xóm làng. Cuộc tử chiến bất phân thắng bại, cả hai Ông Cọp đều lụy. Dân làng chôn cất hai Ông chu đáo.

Mấy hôm sau, có người trong làng chiêm bao thấy hai Ông về báo mộng rằng, hai Ông vốn là người nhà trời, phạm thiên giới nên bị đày, giờ đã mãn hạn. Hai Ông bày tỏ ăn năn vì những chuyện đã gây ra với dân làng và hứa sẽ phù hộ cho dân làng phong điều vũ thuận, bình an, sung túc. Đúng như lời báo mộng, dân làng từ đó sống an lành, no ấm. Nhớ ơn hai Ông, dân làng lập miếu thờ, tục gọi Miễu Ông, còn đến tận bây giờ.

Tích xưa lại càng khiến bà con tín cẩn vào tín ngưỡng dân gian thờ Sơn Quân. Với dân làng Bình Thủy xưa đến nay, Ông Hổ bảo vệ mọi người trước tai ương, dịch bệnh, phù hộ mọi điều tốt lành, thịnh vượng bằng khí khái “lẫm lẫm oai linh”. Cũng như người Nam Bộ, người dân Bình Thủy xưa hễ có con nít bị bệnh ho, sốt... lâu ngày không dứt thì ẵm tới miếu Ông Hổ để xin, cầu Ông Hổ giúp chữa lành. Một tục lệ dân gian đến bây giờ vẫn còn là trước cửa buồng của “đàn bà đẻ” có treo một ít trầu cau cùng lá bùa Ông Cọp với ước nguyện Ông Cọp sẽ trấn yểm, bảo vệ đứa nhỏ non ngày non tháng được bình an.

*   *    *

Đầu năm đi cúng đình, lễ chùa. Người Bình Thủy vãn cảnh đình, đảnh lễ linh Thần, thắp nhang ở miếu Sơn Quân để cầu vạn sự bình an, an khang thịnh vượng. Tín ngưỡng thờ cọp ở đình Bình Thủy vừa mang những nét chung nhất trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, vừa mang những bản sắc riêng. Điều đó đã làm dày nên nền tảng văn hóa của vùng đất “địa linh nhân kiệt” Bình Thủy - Long Tuyền.

Bài, ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết