13/09/2022 - 00:02

Mỹ và đồng minh gấp rút bổ sung kho vũ khí 

Mỹ và nhiều nước phương Tây đang huy động các nhà thầu quốc phòng tăng cường sản xuất, nhằm bổ sung kho dự trữ vũ khí đang giảm sút nghiêm trọng sau các đợt viện trợ cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ.

Binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí và đạn dược theo quy chuẩn tương đồng với Nga. Nhưng sau 3 tháng chiến sự, phần lớn khí tài “chuẩn Liên Xô” trong biên chế Ukraine bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, buộc Kiev trông chờ vào vũ khí dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cùng đồng minh viện trợ. Tuy không phải tất cả các nước thành viên NATO đều trang bị vũ khí giống hệt, nhưng chúng tương thích với nhau. Vì vậy, đạn dược được sản xuất tại một quốc gia trong liên minh thì thành viên khác cũng có thể sử dụng.

Tuần rồi, Washington đã thông qua đề xuất viện trợ quân sự thêm 675 triệu USD cho Ukraine. Đây là lần thứ 20 chính quyền Tổng thống Joe Biden rút khí tài từ kho quân đội Mỹ cung cấp cho Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, gói hỗ trợ lần này bao gồm pháo 105mm, rocket dẫn đường chính xác GMLRS và đạn pháo.

Hồi tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 497 triệu USD để bổ sung vũ khí cho Kiev trong 2 năm tới. Theo Ủy viên Thị trường nội khối EU Thierry Breton, các nước EU đã rút từ kho dự trữ lượng lớn đạn dược, pháo hạng nhẹ lẫn hạng nặng, hệ thống phòng không và chống tăng, thậm chí xe bọc thép và xe tăng. 

Kho dự trữ cạn kiệt

Trong khi tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài, cựu tư lệnh pháo binh của NATO Pierre Henrot lo ngại phương Tây sắp đạt giới hạn các loại vũ khí sẵn sàng cung cấp cho Ukraine. “Đối với châu Âu, họ chỉ đơn giản là không thể gửi thêm thiết bị hạng nặng vì kho vũ khí của họ không còn nhiều nữa” - ông Henrot nói. Trong một tuyên bố, ủy viên EU Breton cũng thừa nhận các đợt viện trợ liên tục đã làm tiêu hao lượng lớn đạn dược trong kho dự trữ của các nước, tạo ra một lỗ hổng an ninh cần giải quyết khẩn cấp.

Về phía Mỹ, Hãng tin AFP cho biết Lầu Năm Góc đã cung cấp khoảng 800.000 viên đạn pháo 155mm cho Ukraine trong khi cả nước chỉ có một nhà máy sản xuất là General Dynamics ở bang Pennsylvania. Hiện năng suất của nhà máy là 14.000 viên đạn/tháng và Thứ trưởng Quốc phòng Bill LaPlante phụ trách mua sắm, bảo trì vũ khí cho biết Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng con số này lên 36.000 viên đạn/tháng trong khoảng 3 năm. Dù vậy, theo các nhà chuyên môn, sản lượng trên cũng chỉ nhỉnh hơn một nửa so với những gì Washington đã cung cấp cho Ukraine trong chưa đầy 6 tháng.

Trước tình hình này, quân đội Mỹ gần đây đã cho công bố một loạt hợp đồng mới với các nhà sản xuất vũ khí trong và ngoài nước. Trong đó bao gồm 364 triệu USD để mua 250.000 viên đạn pháo 155mm của nhiều nhà sản xuất, 624 triệu USD cho tên lửa phòng không Stinger, 324 triệu USD cho tên lửa chống tăng Javelin và hàng triệu USD khác cho các hệ thống vũ khí, đạn dược và vật tư quốc phòng khác. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng thúc đẩy các đồng minh tăng cường dây chuyền sản xuất của riêng họ. Theo thông báo từ Bộ trưởng Austin, tuần này sẽ diễn ra cuộc họp giữa các giám đốc cấp cao về vũ khí quốc gia từ các nước đồng minh. Mục tiêu là tìm kiếm biện pháp dài hạn về cung cấp khí tài cho Ukraine, đồng thời tăng cường nỗ lực xây dựng lại kho dự trữ vũ khí bằng cách giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng, cải thiện năng lực sản xuất cũng như khả năng thay thế lẫn nhau giữa hệ thống vũ khí các nước đồng minh.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết