Nhà Trắng tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp cận với Trung Quốc bằng “sự kiên nhẫn” và dự định xem xét lại những chính sách cứng rắn có từ thời người tiền nhiệm Donald Trump.

Ông Biden (trái) trong lần gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đây. Ảnh: NY Times
“Bắc Kinh thách thức nền an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng tôi, buộc Washington phải có cách tiếp cận mới. Chúng tôi muốn có cách tiếp cận mới với sự kiên nhẫn về mặt chiến lược”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 25-1. Theo đó, chính quyền ông Biden có kế hoạch đánh giá lại các chính sách cứng rắn do ông Trump ban hành, bao gồm thuế quan thương mại và hủy niêm yết một số cổ phiếu Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg nhận định những bình luận của Nhà Trắng cho thấy chính quyền mới ở Mỹ có thể sẵn lòng thay đổi các hành động của ông Trump. Hồi tháng rồi, ông Biden nói rằng bản thân sẽ không ngay lập tức đưa ra một động thái nào với chính sách thuế quan của ông Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu trị giá 350 tỉ USD từ Trung Quốc.
Bắc Kinh lên tiếng
Trước cuộc họp báo của bà Psaki vài giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh thế giới đang trải qua sự thay đổi chưa từng có trong một thế kỷ, đây là thời điểm để tiến hành bước phát triển và chuyển biến lớn. Theo ông, để duy trì chủ nghĩa đa phương trong thế kỷ 21, thế giới cần thúc đẩy truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận quan điểm mới và hướng tới tương lai. Ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tuân thủ các giá trị cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương, thích ứng mới với môi trường quốc tế đang thay đổi và ứng phó với thách thức toàn cầu. Ông thúc giục thế giới cải cách và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở tham vấn sâu rộng và xây dựng sự đồng thuận. Ông Tập kêu gọi các quốc gia hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch COVID-19, đồng thời phản đối “Chiến tranh Lạnh kiểu mới”, nhưng không nêu đích danh Mỹ.
Tuy nhiên, bà Psaki cho rằng lời kêu gọi này sẽ không thay đổi cách tiếp cận chiến lược của chính quyền ông Biden đối với Bắc Kinh, đồng thời lưu ý Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác quốc tế nhằm ngăn chặn “sự bắt nạt kinh tế của Trung Quốc trên nhiều mặt trận”. Chính phủ ông Biden được cho là cũng có kế hoạch vực dậy các liên minh toàn cầu nhằm chống lại sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới.
Ngoài ra, Tổng thống Biden có thể sẽ không sớm hủy bỏ các lệnh cấm vận Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei. Bà Psaki nói rõ hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc vẫn là mối lo ngại đối với Mỹ. Do đó, quan điểm của ông Biden là Mỹ phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp, đảm bảo công nghệ Mỹ không dùng để phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh.
Mặt khác, Nhà Trắng cũng đang tiến hành xem xét các vấn đề Mỹ - Trung khác, bao gồm sắc lệnh hành pháp do ông Trump ký duyệt nhằm cấm các nhà đầu tư Mỹ mua mới cổ phần ở 3 hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc mà Washington cho là có dính líu tới quân đội, gồm China Mobile, China Unicom Hong Kong và China Telecom. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 11-1 và cho các công ty này thời gian đến tháng 11 để hoàn tất việc bán hết số cổ phần hiện có.
Chỉ trong vài ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Song, tân chủ nhân Nhà Trắng vẫn chưa làm điều tương tự đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Ý định của ông đối với các biện pháp đánh thuế nhập khẩu Trung Quốc thu hút đông đảo sự chú ý, bởi đó được coi là dấu hiệu hé lộ cách nhà lãnh đạo mới ở Mỹ sẽ xử lý mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Xây dựng lại “xương sống của nước Mỹ”
Ngày 25-1, Tổng thống Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường mua sắm liên bang đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất, đồng thời tuyên bố đây là bước đi hướng tới việc xây dựng lại “xương sống của nước Mỹ” và củng cố tầng lớp trung lưu. Theo chủ nhân Nhà Trắng, để đảm bảo tương lai, Mỹ không chỉ cần giành được việc làm đã mất mà còn cả việc làm cũng như các ngành công nghiệp trong thời gian sắp tới. Đây là một phần quan trọng để xây dựng nền kinh tế của Mỹ tốt đẹp hơn với sự tham gia của tất cả thành phần, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang bị tổn hại nặng nề.
Lệnh hành pháp này là một bước đi trong kế hoạch kinh tế rộng lớn hơn mà Tổng thống Biden đã đưa ra trong chiến dịch thúc đẩy các ngành công nghiệp của Mỹ và giúp chấm dứt sự phụ thuộc của quốc gia này vào hàng hóa sản xuất ở nước ngoài vào thời điểm các công ty Mỹ đang bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
|
HẠNH NGUYÊN