07/09/2017 - 08:49

Mỹ sẽ trục xuất “Những kẻ mộng mơ” 

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) đang vấp phải chỉ trích dữ dội, không chỉ từ các nhóm xã hội dân sự, những gã khổng lồ trong làng công nghệ mà còn bao gồm giới chính trị gia.

Người ủng hộ chương trình DACA biểu tình trước Nhà Trắng. Ảnh: CNN

DACA là sắc lệnh hành chính được cựu Tổng thống Barack Obama triển khai năm 2012 nhằm bảo vệ trẻ em nước ngoài không giấy tờ di cư tới Mỹ trước năm 16 tuổi khỏi nguy cơ bị trục xuất.

Hiện chương trình đang bảo vệ cho khoảng 800.000 thanh thiếu niên được cấp phép DACA, hay thường được biết tới như “Dreamers” (Những kẻ mộng mơ). Đa số thành phần nhập cư này đến từ Mexico và các nước Mỹ Latinh.

Để đăng ký, cá nhân dưới 30 tuổi không có tiền án hình sự, đang đi học hoặc vừa tốt nghiệp hay xuất ngũ phải làm hồ sơ nộp cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ và trải qua một đợt kiểm tra gắt gao của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Trường hợp được xét duyệt, Chính phủ Mỹ chấp nhận “trì hoãn” bất kỳ hành động nào về tình trạng nhập cư của họ trong 2 năm.

Quyết định hủy bỏ DACA được Tổng thống Trump phê chuẩn và Bộ Trưởng Tư pháp Jeff Sessions công bố hôm 5-9. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết sẽ ngừng xử lý đơn đăng ký mới kể từ thời điểm nói trên.

Bảo vệ chính sách gây tranh cãi, ông Trump cho rằng “lệnh ân xá” cho người nhập cư bất hợp pháp dưới thời người tiền nhiệm Obama là hành động “vi hiến” và hàng triệu người Mỹ đang trở thành “nạn nhân” của một hệ thống không công bằng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Sessions cho biết hàng trăm ngàn người Mỹ bản xứ đang bị mất việc làm vào tay những người nhập cư bất hợp pháp.

Tuyên bố của Tổng thống và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ ngay lập tức dấy lên làn sóng giận dữ với hàng loạt cuộc biểu tình ngay trước Nhà Trắng, Bộ Tư pháp và lan rộng ra khắp các thành phố lớn.

Trong thông điệp trên Facebook, cựu Tổng thống Obama đã gọi quyết định của người kế nhiệm là “tàn nhẫn” và “sai lầm”. Thậm chí, ông Obama còn cho đây là hành động mang “yếu tố chính trị”.

Hàng loạt các đại gia công nghệ ở Thung lũng Silicon như Facebook, Apple, Microsoft cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump khi cho rằng “Những kẻ mộng mơ” đều “xứng đáng được tôn trọng một cách bình đẳng dựa trên các giá trị của Mỹ”.

Ngay cả những đồng minh của ông Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cũng lên tiếng lo ngại “cách tiếp cận liều lĩnh” của ông chủ Nhà Trắng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và không phù hợp với các nguyên tắc, giá trị Mỹ.

CNBC trích nghiên cứu hồi đầu năm nay của Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ ước tính GDP của Mỹ trong 10 năm tới sẽ tổn thất 433 tỉ USD nếu trục xuất tất cả lao động thuộc chương trình DACA.

Trước mắt, tờ Politico cho biết Thống đốc New York Andrew Cuomo và Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang này, Eric Schneiderman tuyên bố sẽ khởi kiện chính phủ liên bang nếu DACA bị chấm dứt.

Thế khó cho Quốc hội Mỹ

Vài giờ sau khi ra quyết định, Tổng thống Trump tuyên bố “rất cảm thông” cho các di dân bất hợp pháp được đưa sang Mỹ từ nhỏ. Trong dòng tweet tối muộn, tỉ phú New York cho biết chính phủ sẽ giải quyết vấn đề DACA dựa trên “lòng trắc ẩn” nhưng phải thông qua quá trình dân chủ hợp pháp đồng thời đảm bảo lợi ích lâu dài cho người dân Mỹ.

Ông Trump nói rõ Quốc hội Mỹ có 6 tháng hành động để hợp pháp hóa DACA (điều mà chính quyền Tổng thống Obama không thể làm được) nếu muốn tiếp tục cho phép “Những kẻ mộng mơ” ở lại Mỹ.

Với việc định ra thời hạn 6 tháng, giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đang đặt tất cả áp lực lên giới lập pháp. Theo BBC, tình hình hiện nay cũng không dễ dàng cho người ủng hộ DACA trong Quốc hội Mỹ. 

Kể từ khi chính quyền Trump đi vào hoạt động hồi tháng Giêng, Quốc hội Mỹ đến nay vẫn chưa thể thông qua bất kỳ đạo luật nào trong khi cơ quan này từng có “tiền sử” mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề nhập cư. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết