24/12/2008 - 09:04

Mỹ sẽ ở lại Iraq lâu dài ?

Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Baghdad.
Ảnh: AP

Ngày 22-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua nghị quyết 1859 do Anh - Mỹ đề xuất, nhằm kết thúc sứ mệnh của các lực lượng đa quốc gia do Mỹ cầm đầu tại Iraq vào cuối năm 2008. Theo hiệp ước an ninh mà Washington và Baghdad ký kết hồi trung tuần tháng này, Mỹ được duy trì quân đội ở Iraq thêm 3 năm nữa. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng binh sĩ Mỹ có thể sẽ ở lại Iraq lâu dài.

Hiệp ước an ninh Mỹ - Iraq đưa ra thời hạn Mỹ rút quân khỏi các thành phố của Iraq vào tháng 6-2009 và rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, các nhà hoạch định quân sự Mỹ thừa nhận rằng nhiều binh sĩ chiến đấu của họ sẽ tiếp tục ở lại các thành phố của Iraq với danh nghĩa là “chuyên gia huấn luyện” và “cố vấn” sau tháng 6-2009. Nói cách khác, không có gì thay đổi, ngoại trừ tên gọi. Chẳng hạn như tại khu vực người Sunni (được gọi là “tam giác tử thần”) ở phía Nam Baghdad, lữ đoàn chiến đấu gồm 4.000-5.000 binh sĩ thuộc Sư đoàn dù 101 của Mỹ đã được đổi tên thành “Lực lượng đặc nhiệm chuyển giao” với 800-1.200 binh sĩ, có nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq. Một số chuyên gia cho rằng khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ sẽ ở lại Baghdad sau tháng 6-2009, và hàng ngàn binh sĩ khác được bố trí khắp các đô thị của Iraq. Hôm 13-12, Tướng Raymond Odierno, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Iraq, cũng thừa nhận rằng “các nhóm huấn luyện” Mỹ vẫn sẽ ở các thành phố của Iraq sau tháng 6 năm tới.

Trong khi đó, bạo lực ở Iraq thời gian gần đây tuy có giảm, nhưng quy mô các vụ tấn công ngày càng lớn. Mới đây nhất là vụ đánh bom tự sát tại một nhà hàng đông đúc ở thành phố Kirkuk, miền Bắc Iraq, làm 50 người chết và 120 người khác bị thương hôm 11-12. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Iraq trong gần 6 tháng qua. Mỹ hiện có 146.000 quân ở Iraq, kể cả nhân viên phục vụ và hỗ trợ. Tính đến ngày 22-12, ít nhất 4.212 lính Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq. Về chi phí, Mỹ đã đổ vào chiến trường này tới 687 tỉ USD.

Lúc vận động tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama cam kết sẽ rút hết quân khỏi Iraq 16 tháng sau khi nhậm chức, tức vào tháng 5-2010. Hiệp ước an ninh Mỹ-Iraq “hào phóng” hơn khi cho Washington thêm 20 tháng để đưa binh sĩ cuối cùng rời khỏi Iraq. Tuy nhiên, việc Mỹ không thể rút các binh sĩ chiến đấu khỏi các thành phố của Iraq sau tháng 6-2009 theo thỏa thuận khiến người ta nghi ngờ khả năng Mỹ sẽ không thực hiện cam kết rút hết quân khỏi Iraq trong 3 năm tới. Một số nhà phân tích và các nhân vật đối lập ở Iraq đã có lý khi nói rằng hiệp ước an ninh thực chất chỉ là vỏ bọc chính trị cho việc chiếm đóng Iraq. Thậm chí, theo họ, câu chữ không rõ ràng của hiệp ước có thể cho phép lính Mỹ “danh chính ngôn thuận” ở lại lâu dài tại quốc gia vùng Vịnh này.

N.MINH (Theo NYTimes, IPS, AP)

Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Baghdad. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết