14/03/2022 - 09:01

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine 

PHẠM NGỌC ÁNH

Ngày 12-3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Nga nhằm thúc đẩy tiến hình hòa bình tại Ukraine nếu như Kiev xem điều này là hữu ích.

Dân Ukraine chạy sang Ba Lan lánh nạn. Ảnh: AP

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Washington ủng hộ rộng rãi giải pháp ngoại giao nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, đồng thời đang nỗ lực để đưa Ukraine vào vị thế đàm phán mạnh mẽ nhất có thể bằng cách tăng cường sức ép trừng phạt đối với Mát-xcơ-va và cung cấp vũ khí cho Kiev”.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington luôn tuyên bố nhất quán rằng sẽ không gây sức ép đối với Ukraine hay bất cứ quốc gia nào về việc đồng ý gia nhập hay không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Cung cấp 200 triệu USD viện trợ quốc phòng cho Kiev

Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden đã chỉ thị Ngoại trưởng Antony Blinken phụ trách cung cấp khoản viện trợ quốc phòng trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả hoạt động đào tạo và huấn luyện quân sự.

Ông Biden đã ký lệnh ủy quyền cho Ngoại trưởng Blinken chỉ đạo công tác giải ngân tổng số tiền trị giá 200 triệu USD cho mục đích quốc phòng và các hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng như công tác huấn luyện và đào tạo quân sự, theo Ðạo luật Hỗ trợ nước ngoài năm 1961. Lệnh ủy quyền này do Tổng thống ban hành để hỗ trợ các quốc gia trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ và phân bổ ngân sách từ trước.

Mỹ đã viện trợ 1 tỉ USD cho Ukraine trong năm 2021. Cuối tháng 2 vừa qua, Nhà Trắng đã phê duyệt gói viện trợ trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, phần lớn trong số đó đã được chuyển đến quốc gia Ðông Âu này, bao gồm cả hàng trăm tên lửa phòng không Stinger. Trong gói chi tiêu 1.500 tỉ USD cho năm tài khóa hiện hành được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 10-3 có điều khoản cung cấp 13,6 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó khoảng 6,5 tỉ USD sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ để cơ quan này có thể triển khai quân đội tới khu vực và gửi thiết bị quốc phòng tới Ukraine.

Nga tái định cư cho người sơ tán từ Ukraine

Trong khi đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 12-3 đã ký sắc lệnh phối hợp hỗ trợ tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine và các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk ở miền Ðông Ukraine chạy sang nước này.

Cụ thể, các chính quyền khu vực ở Nga sẽ tiếp nhận những người sơ tán từ cuộc xung đột ở Donbass trong phạm vi hạn ngạch đã được nhất trí, trong đó ưu tiên người thân của công dân Nga và người dân đang sinh sống ở những khu vực này.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính đến ngày 11-3 đã có gần 2,6 triệu người đã phải sơ tán kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phần lớn trong đó chạy sang Ba Lan và hơn 105.000 người chạy sang Nga.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo an ninh lương thực toàn cầu đối mặt thêm thách thức do cuộc xung đột Nga - Ukraine sau hai năm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm. Cả hai nước cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% bắp, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực.

Chia sẻ bài viết