21/09/2022 - 22:16

Mỹ lại “chọc giận” Trung Quốc? 

Các tàu chiến Mỹ và Canada đã đi qua eo biển Đài Loan ngày 20-9 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

Tàu khu trục USS Higgins của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 20-9. Ảnh: Daily Mail

Tàu khu trục USS Higgins của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 20-9. Ảnh: Daily Mail

Mark Langford, phát ngôn viên Hải quân Mỹ, cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins thuộc lớp Arleigh Burke, đã “tiến hành quá cảnh thường lệ” qua eo biển Đài Loan ngày 20-9. Tàu chiến này đã thực hiện chuyến quá cảnh “với sự hợp tác của khu trục hạm HMCS Vancouver lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada”. Vị này khẳng định chuyến đi “thể hiện cam kết của Mỹ, các đồng minh và đối tác đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Mặc dù Washington gọi chuyến quá cảnh của USS Higgins ngày 20-9 là “thường lệ”, song hoạt động này diễn ra sau cam kết của ông Biden cuối tuần trước khiến Bắc Kinh tức giận. Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên Kênh CBS ngày 18-9, Tổng thống Biden khẳng định quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Dù vậy, ông nhắc lại Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập và vẫn ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã phản ứng mạnh với phát biểu của ông Biden, chỉ trích bình luận này đi ngược với cam kết của Washington rằng không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Trong những năm gần đây, chiến hạm Mỹ và đôi khi là của các quốc gia đồng minh như Anh và Canada thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan. Các hoạt động này được quân đội Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Lần gần nhất tàu chiến Mỹ và Canada cùng lúc quá cảnh qua eo biển Đài Loan là cách đây 11 tháng với chuyến đi của các tàu USS Dewey và HMCS Winnipeg. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ thuộc quân đội Trung Quốc đã lên án chuyến đi này, cho rằng Mỹ và Canada “thực hiện các hành động khiêu khích, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Căng thẳng tại eo biển Đài Loan leo thang sau chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng 8. Phản ứng trước sự kiện này, quân đội Trung Quốc đã tổ chức đợt diễn tập với quy mô chưa từng có quanh hòn đảo. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng kể từ sau chuyến thăm của bà Pelosi, Washington đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc quanh hòn đảo này.

Đảo ngược chính sách “mơ hồ chiến lược”?

Bình luận về Đài Loan trên CBS vừa rồi đã đánh dấu lần thứ tư kể từ tháng 8-2021 ông Biden cho rằng Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này bằng quân sự trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Cứ mỗi lần như thế, các cộng sự của Tổng thống Biden đã phải đính chính những bình luận được cho là như muốn đảo ngược chính sách “mơ hồ chiến lược” mà Washington lâu nay theo đuổi. Theo chính sách, Mỹ sẽ không tuyên bố rõ ràng về việc liệu nước này có can dự trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan hay không.

Thái độ quyết đoán của chủ nhân Nhà Trắng phản ánh sự thừa nhận của chính quyền đương nhiệm rằng Mỹ phải áp dụng chính sách răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có nhiều hành động đe dọa quân sự Đài Bắc. “Chúng ta có thể chắc chắn rằng đây không phải là câu nói hớ (của ông Biden), 4 lần liên tiếp, tức những gì đang diễn ra là có những nhân vật trong chính quyền Mỹ nghĩ rằng bằng cách thể hiện sự sốt sắng hơn trong việc bảo vệ Đài Loan, điều đó sẽ giúp tái thiết lập thế răn đe”, Oriana Skylar Mastro, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế FSI thuộc Đại học Stanford (Mỹ), nhận định.

HẠNH NGUYÊN (Theo Al Jazeera, Politico)

Chia sẻ bài viết