11/06/2019 - 19:37

Mỹ khó ‘’rắn” với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ

Ngoài thương chiến leo thang với Trung Quốc, bất đồng giữa Mỹ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ cùng đối tác Ấn Độ có thể “làm nóng” hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Nhật Bản cuối tháng này.

Dự kiến, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20. Trong các hoạt động ngoại giao gần đây, giới quan sát cho biết hai quốc gia châu Á đang “bắt tay” nhằm đối phó hàng loạt thách thức trong khu vực, trong đó có quyết định của Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt các quốc gia nhập khẩu dầu Iran và xóa ưu đãi thuế quan cho hai nước này. Ngoài ra, Ankara và New Delhi còn “chung hoàn cảnh” chịu áp lực từ Washington xung quanh hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt “hậu quả nặng nề” bao gồm khả năng đóng băng thương vụ chiến đấu cơ tàng hình F-35, hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt, thậm chí bị khai trừ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu Ankara cương quyết “tậu” S-400. Lầu Năm Góc mới đây còn dừng chương trình huấn luyện tiêm kích F-35 với quốc gia đồng minh và dọa trục xuất toàn bộ phi công Thổ Nhĩ Kỳ nếu chính quyền Erdogan không hủy hợp đồng với Mát-xcơ-va.

Tương tự, Ấn Độ cũng đang chịu sức ép sau cảnh báo của Mỹ, rằng thỏa thuận mua tổ hợp phòng thủ tên lửa trị giá hơn 5 tỉ USD với Nga nếu được thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ Mỹ-Ấn trong lĩnh vực thương mại, hợp tác quốc phòng và công nghệ cao. Ngược lại, một số nguồn tin ẩn danh tiết lộ Washington có thể bán chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 cho Ấn Độ nếu nước này hủy hợp đồng S-400. Trước đó, Lầu Năm Góc từng mời chào New Delhi mua hệ thống tên lửa phòng không NASAMS II để bảo vệ vùng trời thủ đô chống tên lửa đạn đạo hay các hệ thống phòng thủ tên lửa khác như THAAD và Patriot để thay thế S-400.

Theo các chuyên gia, việc loại một trong những đối tác cốt lõi và khách hàng tiềm năng như Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sẽ dẫn tới rạn nứt lớn chưa từng có trong quan hệ giữa Washington và Ankara, sau hàng loạt căng thẳng do các vấn đề như chiến lược tại Syria, lệnh trừng phạt Iran và việc giam giữ nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ấn Độ lại đang được coi là đối tác quan trọng đối với Washington nhằm bù đắp các tổn thất do cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Ngoài ra, New Delhi còn là mắc xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới mà chính quyền Trump đang theo đuổi.

Chờ xem những tuyên bố mạnh miệng từ Nhà Trắng có trở thành hiện thực.

MAI QUYÊN (Theo Anadolu Agency)

Chia sẻ bài viết