27/04/2011 - 08:42

Mỹ cân nhắc trừng phạt Syrie

Xe tăng quân đội Syrie tiến vào khu vực người biểu tình quá khích tại thành phố Daraa ngày
25-4.
Ảnh: Reuters

Sau khi quân đội Syrie mạnh tay trấn áp người biểu tình, Washington cho biết sẵn sàng trừng phạt các quan chức chủ chốt của nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngày 25-4, quân đội Syrie đưa 3.000 binh sĩ cùng xe tăng và xe bọc thép vào thành phố Daraa, cách Thủ đô Damas 100 km về phía Nam, bao vây nhiều ngôi nhà và triển khai các tay súng bắn tỉa tại những địa điểm trọng yếu. Hãng thông tấn SANA của Syrie dẫn nguồn tin chính phủ nước này cho biết việc Damas triển khai quân đội tại thành phố Daraa là để đáp ứng các yêu cầu của người dân nhằm chấm dứt tình trạng “giết chóc, phá hoại và đe dọa của các phần tử khủng bố”. Tuy nhiên, theo báo chí phương Tây, cuộc đụng độ giữa quân đội Syrie và lực lượng biểu tình tại Daraa ngày 25-4 đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng.

Quyết định can thiệp quân sự của chính quyền Tổng thống Assad diễn ra sau khi có hơn 80 người biểu tình thiệt mạng vào cuối tuần qua, nâng tổng số người chết kể từ khi biểu tình bùng phát hồi tháng rồi lên gần 400. Trước những diễn biến nghiêm trọng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông Jeffrey Feltman đã triệu tập Đại sứ Syrie tại Mỹ Imad Moustapha tới để bày tỏ sự lo ngại của Washington. Ông Feltman kêu gọi Syrie chấm dứt bạo lực. Tại Liên Hiệp Quốc, một dự thảo tuyên bố chung chỉ trích chính quyền Damas cũng được nhiều nước châu Âu thảo luận.

Trong khi đó, báo giới Mỹ cho biết Nhà Trắng đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới chống Syrie, chủ yếu liên quan tới tài sản của các quan chức thân cận ông Assad và cấm họ tới Mỹ. Tuy nhiên, theo Nhật báo phố Wall, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Washington đối với các quan chức Syrie không tác động trực tiếp lên bộ máy nội các của ông Assad, vì hầu hết các quan chức Damas có rất ít tài sản tại Mỹ. Các thượng nghị sĩ Mỹ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đề nghị tăng cường ủng hộ cho phe đối lập ở Syrie, song không trực tiếp bằng quân sự, mà bằng “sức mạnh ngoại giao”.

Thời báo New York cũng cho rằng vấn đề mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đang đối mặt ở Syrie tương tự như CHDCND Triều Tiên và Myanmar, vốn lâu nay vẫn chịu nhiều trừng phạt của Mỹ. Trong trường hợp của Syrie, năm 2004, Mỹ đã cấm tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước. Chính quyền cựu Tổng thống George Bush cũng áp lệnh trừng phạt tài chính lên các quan chức Syrie với cáo buộc họ ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Iraq và tham nhũng. Năm 2006, Mỹ cấm giao dịch với Ngân hàng Thương mại Syrie. Đầu năm 2007, Washington cáo buộc 4 tổ chức nghiên cứu nhà nước của Syrie hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cấm làm ăn với Mỹ. Tuy nhiên, một năm sau đó, khi Israel phát hiện một lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng ở sa mạc của Syrie và không kích phá hủy cơ sở này thì Mỹ vẫn không có hành động gì thêm. Một trong những nguyên nhân, theo Thời báo New York, là vì chính quyền Bush không tìm ra bất kỳ biện pháp trừng phạt hiệu quả nào đối với Syrie.

Nhật báo phố Wall còn cho rằng một số nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Israel và Arabie Séoudtie lo ngại về sự bất ổn của chính quyền ông Assad. Israel lo sợ một chính quyền mới cấp tiến hơn ở Damas sẽ khơi lại mối thâm thù giữa hai nước kể từ khi Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan năm 1967, trong khi các nhà lãnh đạo A-rập cho rằng Syrie bất ổn có thể kích động nhiều cuộc biểu tình bạo loạn ở khu vực. Các quan chức Mỹ thừa nhận việc cân nhắc trừng phạt Syrie của Washington đã bị tác động một phần vì những lo ngại này.

N.KIỆT (Theo NYT, WSJ, Reuters, TTXVN)

Xe tăng quân đội Syrie tiến vào khu vực người biểu tình quá khích tại thành phố Daraa ngày 25-4. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết