HẠNH NGUYÊN (Theo Washington Post, NY Times)
Mỹ và Bahrain vừa ký thỏa thuận kinh tế và an ninh chiến lược mà Washington hy vọng sẽ trở thành khuôn mẫu để thắt chặt quan hệ với các quốc gia khác tại vịnh Persic.

Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Blinken ký Thỏa thuận Hội nhập An ninh và Thịnh vượng tại Washington hôm 13-9. Ảnh: Reuters
Hôm 13-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Bahrain - Thái tử Salman bin Hamad Al Khalifa đã ký Thỏa thuận Hội nhập An ninh và Thịnh vượng. Theo thỏa thuận, nếu Bahrain bị tấn công, Mỹ sẽ trao đổi với chính phủ của quốc đảo này và xác định giải pháp tốt nhất để “đối phó với sự hung hăng đang diễn ra”, theo một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một trong những điều khoản của thỏa thuận cho phép Mỹ và Bahrain mời các quốc gia khác tham gia văn kiện này, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. “Ðây là thỏa thuận song phương. Nhưng nó cũng có thể trở thành nền tảng cho việc thành lập một nhóm các quốc gia rộng lớn hơn có chung tầm nhìn với chúng ta về răn đe, ngoại giao, hội nhập an ninh và kinh tế, giảm leo thang các cuộc xung đột”, quan chức giấu tên nói với báo giới. Mặc dù có tính ràng buộc pháp lý, thỏa thuận mới không phải là hiệp định và không cần sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ.
Văn kiện trên ra đời giữa lúc chính quyền ông Biden đang ra sức thắt chặt quan hệ với các nước tại Trung Ðông, nhất là vịnh Persic, để đối phó với những nỗ lực tương tự của Nga và Trung Quốc, đồng thời tăng cường hơn nữa các quan hệ quốc phòng hiện có nhằm ngăn chặn Iran cũng như những đối thủ tiềm tàng khác.
Bahrain, nơi đặt căn cứ của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ, có quan hệ khá căng thẳng với Iran. Bahrain là mục tiêu dễ đạt được cho những nỗ lực của Mỹ nhằm xây mạng lưới răn đe, tình báo và phòng thủ tích hợp trên khắp vịnh Persic, thúc đẩy mua sắm và sử dụng các thiết bị an ninh tương thích của Washington và phát triển chiến thuật chung cho nhiệm vụ ngăn chặn Tehran.
Những người tiền nhiệm của ông Biden đa phần né tránh những mục tiêu trên khi quan hệ với Saudi Arabia, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực, trải qua nhiều thăng trầm. Trong năm qua, thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao đến Saudi Arabia, giới chức Mỹ tìm cách thuyết phục Riyadh tham gia Hiệp định Abraham. Hiệp định này được ký kết vào tháng 9-2020 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt. Bahrain là một trong 3 quốc gia Arab đầu tiên tham gia Hiệp định Abraham, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn rào cản rất lớn cho Mỹ. Trong nhiều năm, giới chức UAE và Saudi Arabia đã thúc giục Mỹ đưa ra những cam kết ràng buộc và mạnh mẽ hơn đối với an ninh hai quốc gia này. UAE và Saudi Arabia trách Mỹ phản ứng không tương xứng đối với các cuộc tấn công mà các nhóm dân quân thân Iran nhắm vào hai nước này.
Trong đó, phía Saudi Arabia muốn ký một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ và Washington phải “bật đèn xanh” cho các kế hoạch xây dựng chương trình điện hạt nhân, bao gồm làm giàu uranium tại vương quốc giàu dầu mỏ. Cả hai điều kiện Riyadh đặt ra để bình thường hóa quan hệ với Israel đều vượt quá khả năng đáp ứng của chính quyền ông Biden và cũng dễ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Ðồi Capitol.
Mỹ và Saudi Arabia đều muốn Israel chấp thuận sự tồn tại của một nhà nước Palestine độc lập, điều mà hiện nay dường như rất xa so với thực tế khi Nhà nước Do Thái dưới thời chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.