03/05/2015 - 09:06

Mỹ bác lời đề nghị hợp tác sử dụng các công trình phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Đáp lại tuyên bố về việc "hoan nghênh" Mỹ cùng nhiều nước khác sử dụng cơ sở dân sự được Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông "vào thời điểm thích hợp", Washington ngay lập tức đã bác bỏ đề xuất của giới quân sự Trung Quốc khi khẳng định hoạt động cải tạo đất tại khu vực tranh chấp không đóng góp cho hòa bình khu vực, bất kể các công trình được sử dụng như thế nào.

Trả lời trước báo giới hôm 1-5, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết Washington "không quan tâm" đến lời đề nghị của chính quyền Bắc Kinh. Theo đó, ông Rathke khẳng định lập trường của Mỹ là "hoạt động xây dựng cải tạo đất thuộc khu vực tranh chấp sẽ không đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực". Đặc biệt, đại diện ngoại giao Mỹ còn cho rằng quan điểm này "vẫn đúng, ngay cả khi các cơ sở trên được sử dụng vì mục đích dân sự ứng phó thảm họa như tuyên bố của một số quan chức Trung Quốc".

Hình ảnh do Lực lượng vũ trang Philippines cung cấp cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng, cải tạo các công trình trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

Động thái của Mỹ diễn ra sau hội nghị trực tuyến mới đây giữa Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert. Trong đó, ông Ngô khẳng định hoạt động xây dựng của chính quyền Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không. Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngô ngược lại viện dẫn lý do các công trình này sẽ góp phần "nâng cao khả năng dự báo thời tiết, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, thực hiện nghĩa vụ và duy trì an ninh trong vùng biển quốc tế" nhằm bao biện cho hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau cùng, vị Tư lệnh này tuyên bố "Bắc Kinh hoan nghênh các tổ chức quốc tế, Mỹ và nhiều nước có liên quan sử dụng các cơ sở này vào thời điểm thích hợp trong tương lai, cùng hợp tác vì mục đích nhân đạo và cứu trợ thảm họa".

Tuy nhiên, quyền phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Rathke trong buổi họp báo hôm 1-5 cho rằng, Trung Quốc nếu mong muốn hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực thì phải chủ động thực hiện các bước đi cụ thể chấm dứt tiến trình cải tạo đất đơn phương của mình ở Biển Đông. Trong đó, Bắc Kinh cần hợp tác với các cơ chế đa phương hiện có trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và thiên tai, chẳng hạn cơ chế đặt dưới sự bảo trợ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – đại diện Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Theo hãng tin Pháp AFP, Bắc Kinh lâu nay vẫn đối mặt với chỉ trích của phương Tây liên quan các công trình xây dựng, bồi lấn đất đai tại những bãi đá ngầm có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, gây quan ngại về khả năng siết chặt kiểm soát của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi giữa tháng 4, Tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ khu vực Thái Bình Dương - Đô đốc Samuel Locklear cũng từng nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng cường công tác khai hoang với dự án cải tạo và xây dựng mạnh mẽ ở 8 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có thể cho phép Bắc Kinh triển khai tên lửa và radar tại các đảo này, tạo nền tảng xây dựng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Còn tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hôm 27-4, giới lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố "cực kỳ quan ngại" khi cho rằng hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp "làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

MAI QUYÊN
(Theo Reuters, AFP, Want China Times)

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP, Want China Times)

Chia sẻ bài viết