07/08/2008 - 22:12

Muỗi - Tác nhân truyền bệnh nguy hiểm

Trên trái đất có khoảng 35 giống với trên 2.000 loài muỗi, trong đó có những loài truyền bệnh và những loài không truyền bệnh cho người. Chúng xuất hiện quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa và thời điểm nông dân xuống giống. Tuy nhiên, rất ít người có khả năng nhận biết, phân biệt các loài muỗi. Nhiều người còn cho rằng muỗi xuất hiện nhiều sẽ gây ra dịch bệnh sốt xuất huyết. Thực tế ở ĐBSCL, chỉ có một số ít loại muỗi thường gặp có khả năng truyền bệnh cho người cần phải đề phòng .

Cán bộ khu vực, cộng tác viên SXH đổ dụng cụ chứa nước có lăng quăng tại khu vực 3, phường Hưng Phú, quận Cái Răng.  Ảnh: ĐOÀN LÝ

Muỗi là nhóm sinh vật thuộc lớp côn trùng, có 1 đôi cánh vảy, một đôi cánh cứng, có thể bay với tốc độ 1,5km đến 2,5km/h. Muỗi sinh trưởng chủ yếu trong các đầm lầy, ao hồ hoặc các vũng nước đọng. Chúng đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng (lăng quăng). Lăng quăng phát triển thành nhộng rồi biến thành muỗi trưởng thành và bay khỏi mặt nước. Có 3 loài truyền bệnh chủ yếu là: Culex, Aedes (muỗi vằn) và Anopheles (đòn sóc). Muỗi đực chỉ hút nhựa cây cỏ để sống còn muỗi cái thì có bộ phận ở miệng dùng để đốt và hút máu người và động vật.

Ở nhiều địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, muỗi vằn thường xuất hiện quanh năm và gây ra nhiều đợt dịch bệnh sốt xuất huyết. Muỗi vằn đốt người bệnh sốt xuất huyết rồi truyền mầm bệnh sang người lành. Đặc biệt, muỗi vằn chỉ đẻ trứng trong môi trường nước trong, nhất là nước mưa. Muỗi vằn có màu đen, có khoang trắng trên bụng và chân, chúng có thể bay trong bán kính 200m. Ở nước ta, muỗi Aedes có 2 loại truyền bệnh chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Muỗi Aedes aegypti thích đậu những nơi tối trong nhà, đốt người vào lúc sáng sớm và chập tối. Muỗi Aedes albopictus lại thích sống nơi lùm cây, ngọn cỏ ở vùng nông thôn.

Muỗi Culex truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Chúng đốt heo mang virus viêm não Nhật Bản, sau 14 ngày, có thể truyền virus sang người. Muỗi Culex thường đẻ trứng ở ruộng lúa, bay xa khoảng 1,5km. Muỗi Culex cái đốt người và gia súc vào ban đêm, ban ngày muỗi không hoạt động mà đậu nghỉ ở các góc tối trong nhà, vòm cống rãnh, cây cỏ... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm). Ở ĐBSCL, tuy bệnh viêm não Nhật Bản chỉ xuất hiện rải rác ở một số nơi nhưng di chứng của nó để lại hết sức nguy hiểm nên mọi người cần phải đề phòng.

Riêng muỗi Anopheles có khoảng 380 loài, trong đó, khoảng 60 loài có thể truyền bệnh sốt rét cho người. Muỗi Anopheles có tư thế đậu nghỉ gần vuông góc với mặt phẳng mà nó đậu. Muỗi Anopheles hoạt động từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc. Muỗi bay vào nhà đốt người rồi thường đậu lại trong nhà vài giờ, sau đó đậu nghỉ ở bụi cây, kẽ đất hoặc nơi khô, thoáng gió trong nhà. Ở Việt Nam, các loài truyền bệnh chính là An.minimus, An.dirus (truyền sốt rét rừng); An.sundaicus, A.nimpe, An.subpictus... (truyền sốt rét ven biển). Các Anophels này chưa được phát hiện ở Cần Thơ trong thời gian gần đây, vì vậy ở thành phố Cần Thơ bệnh sốt rét thường là do mắc bệnh ở nơi khác mang đến. Cần lưu ý là cả 3 loài Culex, Aedes, Anopheles đều có thể truyền bệnh giun chỉ.

Để phòng tránh các bệnh do muỗi gây ra, mỗi hộ gia đình cần thường xuyên diệt lăng quăng, làm vệ sinh nhà cửa và xung quanh nhà sạch sẽ; đậy kín lu, khạp, loại bỏ các vật chứa nước không cần thiết, thả cá bảy màu vào các hồ chứa nước; lấp những vũng nước đọng.v.v...

Bác sĩ DƯƠNG PHƯỚC LONG
(Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết