21/12/2020 - 18:28

Mua sắm trực tuyến tạo gánh nặng cho môi trường 

Tờ Bloomberg cho biết, lượng rác thải được tạo ra từ việc mua sắm nhân các dịp lễ hàng năm không “xi nhê” gì so với hàng núi bao bì bỏ đi chỉ từ một sự kiện mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc.

Nhân viên Cainiao xếp gọn những hộp carton. Ảnh: Bloomberg

Nhân viên Cainiao xếp gọn những hộp carton. Ảnh: Bloomberg

Chỉ trong ngày Độc thân 11-11 năm nay, những “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba hay JD.com đã thu hút được lượng lớn khách hàng. Alibaba cho biết đã “bỏ túi” gần 500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 76 tỉ USD) trong ngày 11-11, gấp 4 lần doanh thu từ 2 sự kiện Black Friday và Cyber Monday  của Mỹ gộp lại. Nền tảng mua bán trực tuyến Tmall của Alibaba có lúc trong một giây nhận tới 583.000 đơn đặt hàng. Tổng cộng có hơn 675 triệu gói hàng cần được giao, tăng 26% so với năm 2019. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra lượng bao bì cực lớn.

Theo tổ chức Greenpeace, mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc tạo ra 9,4 triệu tấn bao bì vào năm 2018. Con số này được dự báo đạt mức 41 triệu tấn vào năm 2025, tương đương lượng chất thải do Nhật Bản thải ra trong một năm. Greenpeace ước tính, ngày Độc thân năm 2017 tại Trung Quốc đã tạo ra 52.400 tấn carbon dioxide (CO2) từ khâu sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Đặc biệt, hàng trăm chuyến tàu cao tốc đã được huy động tham gia vận chuyển hàng trong dịp này.

Là nước sản xuất nhựa lớn nhất thế giới, Trung Quốc tạo ra 63 triệu tấn nhựa năm 2019, bao gồm 20 triệu tấn nhựa sử dụng một lần mà trong đó 3 triệu tấn dùng làm bao bì mua sắm.

Thách thức từ nhựa phân hủy sinh học

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường như cấm sử dụng túi nhựa, dụng cụ ăn uống và người tiêu dùng ngày càng có ý thức về môi trường hơn, các “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc đang nỗ lực tìm ra những giải pháp “xanh” hơn để bảo vệ môi trường, như hạn chế sử dụng nhựa.

Theo đó, trong ngày Độc thân năm nay, công ty hậu cần Cainiao của Alibaba đã thiết kế các hộp carton có thể tái chế mà không cần phải dán kín bằng băng keo nhựa. Cainiao đã cung cấp bao bì cho hơn 500 gian hàng trên Tmall. Số hộp này tuy có giá gấp đôi so với bao bì thông thường nhưng được nhiều nhãn hàng tin dùng. Cainiao cho biết đã sử dụng 190.000 hộp carton và 3 triệu túi nhựa phân hủy sinh học để đóng gói các đơn hàng trong ngày Độc thân năm nay. Đa số những hộp này được in hình cá heo để “nâng cao nhận thức về tác hại của nhựa đối với đại dương”.

Ngoài Cainiao, 36 công ty khác của Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng các cơ sở sản xuất nhựa phân hủy sinh học, nâng công suất sản xuất lên hơn 4,4 triệu tấn/năm, tăng hơn 7 lần trong vòng chưa đầy 12 tháng.

Tổng cục Bưu chính Quốc gia Trung Quốc cho hay 96% dịch vụ chuyển phát của nước này sử dụng vận đơn kỹ thuật số và chuyển sang dùng băng keo đóng gói mỏng hơn để giảm sử dụng nhựa.

Đáng chú ý, các nhà hàng, nền tảng thương mại điện tử cũng như các công ty giao hàng sẽ buộc phải báo cáo về việc sử dụng nhựa một lần, đồng thời phải đệ trình kế hoạch tái chế chính thức lên các cơ quan chức năng, giữa lúc Bộ Thương mại Trung Quốc phát động chương trình khuyến khích tái chế.

Song, chuyển sang dùng hộp carton cũng tạo ra một số vấn đề về môi trường, bởi sản xuất loại hộp này tạo ra lượng lớn khí thải, có nguy cơ gây phá rừng nếu không có nguồn nguyên liệu bền vững. Đặc biệt, nó khó tái chế nếu bị dính thực phẩm hoặc chất thải khác.

Mặt khác, nhựa phân hủy sinh học, vốn có thể bị phân hủy bởi các sinh vật sống hoặc được xử lý ở nhiệt độ cao để có thể phân hủy trong vòng 6 tháng, nếu bị vứt tại các bãi chôn lấp có thể mất nhiều thời gian hơn để phân hủy và vẫn sẽ thải carbon vào môi trường.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết