17/06/2016 - 22:01

Mở cánh cửa đối thoại

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker vừa đến Nga tham dự diễn đàn kinh tế St Petersburg khai mạc hôm 16-6 và sau đó có cuộc gặp song phương bên lề với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.

Ông Juncker là quan chức cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) tới Nga kể từ khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine thành vùng lãnh thổ bán tự trị của Nga tháng 3-2014. Trong phái đoàn chính khách và doanh nhân châu Âu đến St Petersburg còn có Thủ tướng Ý Matteo Renzi, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Total, Royal Dutch Shell, Societe Generale, JCDecaux, Schneider Electric...

Chủ tịch EC Juncker (trái) và Tổng thống Putin tại St Petersburg hôm 16-6. Ảnh: AP 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Juncker bảo vệ quyết định thăm Nga của EC, giữa lúc có một số ý kiến phản đối rằng đây là thời điểm chưa thích hợp khi lệnh cấm vận chống Mát-xcơ-va của EU chưa thể dễ dàng được bãi bỏ. Ông cho rằng bước đi của EC là đúng đắn, bởi đang có "sự nhận thức chung" trong nhiều nước EU coi việc đàm phán với Nga sẽ mang lại kết quả sống còn, bởi áp lực lợi ích kinh tế của doanh nghiệp muốn bình thường hóa quan hệ làm ăn với Nga.

Dù khẳng định các hành động của Nga tại Ukraine đã "phá vỡ nguyên tắc an ninh châu Âu về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không sử dụng vũ lực", nhưng ông Juncker nhấn mạnh hai bên cần khởi động đối thoại và thảo luận về thỏa thuận Minsk giúp mang lại hòa bình, ổn định cho Đông Ukraine, coi đây là nền tảng đảm bảo chuẩn mực luật pháp quốc tế và là con đường duy nhất để EU xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận trừng phạt Nga.

Với thông điệp làm "cầu nối" vượt qua khoảng cách giữa Nga và EU, ông Junck có lời bày tỏ nhận được sự tán thưởng của đông đảo cử tọa: "Nếu mối quan hệ của chúng ta hôm nay bị rắc rối và đánh mất lòng tin thì nó vẫn không bị cản trở để sửa chữa. Chúng ta cần chỉnh đốn và tôi tin là chúng ta có thể. Tôi luôn tin vào sức mạnh của đối thoại. Khi quan hệ của chúng ta căng thẳng, chúng ta phải duy trì thảo luận. Ngay cả khi trừng phạt kinh tế vẫn còn, chúng ta vẫn phải để cho cánh cửa mở".

Sau cuộc hội đàm được đánh giá trong "bầu không khí tốt lành" giữa ông Juncker và Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì "tiếp xúc gần gũi" nhằm thúc đẩy cải thiện mối quan hệ song phương đang bị đóng băng giữa Nga và EU.

Tiếp thêm tiếng nói bình thường hóa quan hệ giữa Nga và EU, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi EU xóa bỏ lệnh trừng phạt Nga, cho rằng cuộc đối đầu EU-Nga hiện nay là "giả tạo". Thủ tướng Matteo Renzi cũng có cuộc thảo luận riêng với ông Putin nhằm tăng cường quan hệ song phương Ý-Nga và chứng kiến nhiều thỏa thuận thương mại giữa doanh nghiệp hai nước bên lề diễn đàn kinh tế.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết