NGUYỆT CÁT (Theo Reuters)
Sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố Ahmedabad thuộc miền Tây Ấn Ðộ, Saurav mất hơn 4 tháng săn việc trước khi đăng ký làm việc tại một trung tâm cuộc gọi. Người thanh niên 25 tuổi không biết rằng quyết định đó về sau đã khiến anh ngồi tù.

Theo Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ, công dân nước này đã bị lừa mất hơn 10 tỉ USD bởi các băng nhóm và các trung tâm cuộc gọi lừa đảo ở Ấn Ðộ trong năm 2022.
Công việc của Saurav (tên nhân vật đã thay đổi vì lý do an toàn) là gọi điện cho người dân ở Mỹ, lôi kéo họ đăng ký các khoản vay và chính sách bảo hiểm rồi nói rằng họ cần cải thiện điểm tín dụng bằng cách trả từ 50-100 USD. Chỉ có điều, Saurav thực chất không làm việc cho ngân hàng hay công ty bảo hiểm nào, mà là cho một trung tâm cuộc gọi lừa đảo chuyên rao bán hàng giả và lừa tiền những người cả tin. “Lúc đầu tôi không nhận ra. Nhưng sau khi nói chuyện với các đồng nghiệp khác, tôi mới hiểu ra công việc của mình là lừa đảo. Nhưng tôi đã dấn sâu vào nó và biết chắc sẽ không kiếm được công việc nào khác có mức lương từ 20.000-25.000 rupee (243-303 USD) mỗi tháng, vì vậy, tôi tiếp tục làm việc” - Saurav giải thích.
Trung tâm cuộc gọi nói trên nằm trong số hàng ngàn trung tâm lừa đảo, trong đó nhân viên đóng giả là quan chức thuế, nhân viên ngân hàng và công ty bảo hiểm hoặc hỗ trợ kỹ thuật để lừa tiền hàng triệu người mỗi ngày ở Ấn Ðộ, Mỹ, Anh và nhiều nước khác. Cảnh sát Ấn Ðộ đã đột kích hàng trăm trung tâm như vậy ở các thành phố Ahmedabad, Delhi, Gurugram, Mumbai và Kolkata và truy tố hàng ngàn người về tội lừa đảo. Saurav cùng 2 đồng nghiệp khác bị bắt năm 2022 và ngồi tù 5 tháng.
Vụ việc của Saurav là một ví dụ điển hình cho thấy mặt tối của ngành dịch vụ công nghệ thông tin trị giá 220 tỉ USD đang bùng nổ ở Ấn Ðộ. Sự tăng trưởng của ngành này cũng kéo theo sự nở rộ của các trung tâm lừa đảo qua điện thoại. Ajit Rajiaan, một quan chức ở Ahmedabad đã truy quét hàng chục vụ lừa đảo như vậy, cho biết chỉ cần một chiếc máy tính để bàn hoặc xách tay, điện thoại, kết nối Internet và dữ liệu là bọn lừa đảo có thể điều hành công việc từ nhà, văn phòng hoặc bất cứ nơi nào. Ông tiết lộ thêm những người bị bắt đều là nam giới từ 18-25 tuổi, có học vấn từ trung học đến đại học.
Triển vọng việc làm u ám
Theo dự báo từ Liên Hiệp Quốc, Ấn Ðộ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào tháng 4 tới, với hơn 1,43 tỉ người. Tuy có dân số trẻ (hơn 40% dưới 25 tuổi), nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này không đủ để đáp ứng khoảng 12 triệu người tham gia lực lượng lao động mỗi năm. Vì thế, các nhà phân tích cho biết những thanh niên có học vấn buộc phải gia nhập nền kinh tế tự do (GIG), như giao hàng và giao đồ ăn, làm cho các trung tâm cuộc gọi lừa đảo cũng như các công việc tạm thời và được trả lương thấp khác.
Tổ chức tư vấn chính sách nhà nước Niti Aayog cho biết Ấn Ðộ là một trong những thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất về nền kinh tế GIG, với gần 8 triệu lao động trong giai đoạn 2020-2021 và sẽ tăng lên 24 triệu lao động trong giai đoạn 2029-2030. Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế, lao động Ấn Ðộ chiếm khoảng 1/3 số nhân viên làm việc trực tuyến cho các khách hàng chủ yếu ở Mỹ và Anh. Nhưng đáng nói là những lao động tự do này được trả lương thấp và ít được bảo vệ về mặt pháp lý.
Theo Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia (NASSCOM) Ấn Ðộ, khoảng 50.000 lao động tự do Ấn Ðộ hoạt động như những công nhân “ma”, chỉ nhận được vài xu cho công việc dán nhãn dữ liệu trên các nền tảng trực tuyến. Nhiều người làm việc tại các thị trấn nhỏ với thời gian làm việc và tiền lương bấp bênh. Naga Raj, một lao động tự do 28 tuổi làm các công việc theo yêu cầu trên trang Amazon Mechanical Turk trong hơn 3 năm qua, cho biết: “Tôi có thể làm 10-12 phần việc, nhưng chỉ 2 hoặc 3 phần việc được thông qua và chỉ được trả tiền cho những phần việc đó, tôi không có lựa chọn nào khác” - Raj chia sẻ.