20/05/2020 - 10:29

Lý do để tin vaccine ngừa SARS-CoV-2 sớm thành công 

Chủng virus Corona đầu tiên lây nhiễm cho người được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa có vaccine chống lại chúng? Vậy chúng ta có nên lạc quan tin rằng sẽ phát triển được một loại vaccine hiệu quả?

Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia cho biết tương tự như SARS-CoV và MERS-CoV gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng, SARS-CoV-2 gây COVID-19 bắt nguồn từ động vật, lây sang người và có thể gây tổn thương phổi cùng các cơ quan khác. Tuy nhiên, dịch bệnh SARS và MERS, lần lượt xảy ra vào năm 2002 và 2012, bị dập tắt khá nhanh hoặc chỉ ảnh hưởng đến số ít người. Vì chúng chỉ gây ra mối đe dọa nhỏ vào thời điểm đó, nên dù các chuyên gia virus tỏ ra lo ngại, việc phát triển vaccine không được chú trọng vì còn thiếu động cơ kinh tế.

Trái lại, COVID-19 đã gây gián đoạn nghiêm trọng hầu như mọi mặt đời sống trên toàn thế giới. Các nhà virus học quan tâm đến virus Corona đã đấu tranh để đảm bảo tài trợ cho nghiên cứu của họ. Kết quả là, ít nhất 90 vaccine đang được phát triển, một số đã được thử nghiệm trên người. Dưới đây là 3 lý do để chúng ta lạc quan tin rằng một loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 hiệu quả sẽ sớm thành hiện thực:

Thứ nhất, virus này có thể chữa được. Không giống một số virus, như HIV tự chèn bộ gien của chúng vào gien chúng ta và tạo ra các bản sao mới sau khi loại bỏ khả năng miễn dịch, SARS-CoV-2 không thể tồn tại theo cách này.

Thứ hai, hầu hết bệnh nhân đã khỏi bệnh đều phát triển kháng thể và có bằng chứng cho thấy phản ứng của tế bào T (tế bào miễn dịch) đặc hiệu với virus. Mặc dù chưa biết những phản ứng này có tác động bảo vệ hay không, nhưng đó là dấu hiệu hình thành trí nhớ miễn dịch, nền tảng để việc tiêm chủng phát huy tác dụng. Các sản phẩm vaccine sẽ được điều chế để tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh hơn so với lây nhiễm tự nhiên.

Thứ ba, virus Corona biến đổi chậm hơn virus cúm nhưng giống với SARS và MERS, nghĩa là các kháng thể có thể tồn tại ít nhất 1 đến 2 năm sau khi bệnh nhân hồi phục. Đây là tin tốt vì một loại vaccine hiệu quả sẽ không cần cập nhật trong một khoảng thời gian ngắn.

Cùng với việc các nhà khoa học đang thử nghiệm một số phương pháp mới để đạt tỷ lệ thành công cao hơn, cũng như sự háo hức tham gia của các hãng dược phẩm trong khâu sản xuất và phân phối, các loại vaccine triển vọng nhất sẽ lộ diện sau những cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.

Mỹ công bố kết quả thử nghiệm vaccine chống COVID-19

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy, loại vaccine họ đang nghiên cứu có thể sinh ra kháng thể trên các tình nguyện viên khỏe mạnh. Đây là một thông tin tích cực, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bước sang tháng thứ 5 liên tiếp, khiến hàng triệu người bị lây nhiễm và hàng trăm ngàn người thiệt mạng trên toàn thế giới.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng được Moderna tiến hành từ tháng 3-2020, phối hợp với Viện Y tế quốc gia Mỹ. Theo đó, các tình nguyện viên được sử dụng 2 liều vaccine. Ngày thứ 43, nồng độ kháng thể của họ đã đạt ngưỡng ngang bằng hay thậm chí là cao hơn của những người phục hồi sau COVID-19. Mordena cho biết dữ liệu kháng thể mới chỉ được ghi nhận từ 8 trong tổng số 45 người tham gia thử nghiệm (độ tuổi từ 18-55).

Với kết quả khả quan này, Mordena đã được phép tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 2 và dự kiến sẽ bước vào giai đoạn 3 trong tháng 7-2020.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Inverse.com, Express.co.uk)

Chia sẻ bài viết