16/12/2018 - 10:35

Lùi giờ học muộn hơn có lợi cho sức khỏe và thành tích học tập 

Kết quả nghiên cứu của Đại học Washington phối hợp Viện nghiên cứu sinh học Salk (Mỹ) chỉ ra rằng, lùi giờ học giúp cải thiện đáng kể thời gian ngủ cũng như chất lượng học tập ở thanh thiếu niên.


Ảnh:Depositphotos

Nghiên cứu thực hiện tại hai trường trung học bang Seattle nhằm so sánh thay đổi trước và sau khi áp dụng quy định lùi giờ học sáng từ 7h50 đến 8h45. Các chuyên gia yêu cầu học sinh đeo thiết bị cổ tay theo dõi cường độ ánh sáng và mức độ hoạt động nhằm đánh giá thời gian ngủ. Nhóm đầu tiên gồm 92 học sinh được giám sát trong 2 tuần trước khi thời gian vào học thay đổi. Nhóm thứ 2 gồm 88 học sinh được theo dõi cũng trong 2 tuần nhưng là sau 7 tháng kể từ khi thời gian học chuyển lên 8h45.

Kết quả cho thấy việc lùi giờ học sáng giúp các em tăng thời lượng ngủ lên 34 phút mỗi đêm, đặc biệt là các em không thức khuya hơn mà chỉ ngủ lâu hơn - thói quen phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của thanh thiếu niên. Ngoài ra, điểm số ở trường của học sinh sau khi lùi giờ học cải thiện trung bình 4,5% so với những em vẫn phải đi học sớm.

Giờ học sáng từ lâu là vấn đề gây tranh cãi, với nhiều ý kiến cho rằng nên lùi giờ học bởi việc đến trường quá sớm có thể ảnh hưởng nhu cầu ngủ đủ giấc, nhất là ở lứa tuổi đang lớn như học sinh trung học. Một số nghiên cứu từng chỉ ra rằng, giai đoạn bắt đầu dậy thì kéo dài nhịp sinh học ở thanh thiếu niên. Những thay đổi này khiến các “teen” khó ngủ vào ban đêm và dậy muộn hơn vào buổi sáng.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Gideon Dunster, tất cả nghiên cứu mô hình giấc ngủ của thanh thiếu niên Mỹ đều cho thấy thời gian họ ngủ là do mặt sinh học quyết định nhưng thời gian thức dậy lại bị yếu tố xã hội chi phối. Điều này có thể tác động tiêu cực đến thể trạng sức khỏe bởi nhịp sinh học bị gián đoạn có thể ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, chức năng miễn dịch, khả năng tập trung và sức khỏe tâm thần.

ĐƯỜNG THẤT (Theo UW News)

Chia sẻ bài viết