08/08/2016 - 20:03

Lo ngại bệnh bạch hầu bùng phát

Tính đến 27-7-2016, ngành y tế tỉnh Bình Phước ghi nhận 11 ca xác định mắc bệnh bạch hầu (BH), 4 ca dương tính với bệnh BH, 52 ca đang giám sát, theo dõi và 3 ca tử vong. Trước thông tin trên, nhiều người dân tỏ ra hoang mang lo lắng...

* Ba ca tử vong vì bệnh bạch hầu

Trước thông tin có 3 ca tử vong vì bệnh BH ở tỉnh Bình Phước, nhiều người dân rất hoang mang lo lắng. Chị Nguyễn Thị Thúy Vy, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nói: "Tôi rất lo khi nghe thông tin này vì bệnh nguy hiểm và dễ lây. Nghe nói có vắc-xin phòng bệnh này, tôi phải đưa các con đi tiêm phòng cho chắc". Nhiều người dân có con nhỏ càng lo hơn và nhanh chóng đưa con đi tiêm ngừa để phòng bệnh. BH nằm trong 6 bệnh trẻ em được chủng ngừa giai đoạn đầu đời, thông qua vắc-xin tiêm chủng mở rộng quinvaxem 5 trong 1 hay các vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Ngoài BH, những vắc-xin này còn phòng ngừa các bệnh ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, viêm gan siêu vi B, sốt bại liệt. Chị Lâm Thị Tú Trinh, ở khu dân cư Hồng Phát, quận Ninh Kiều, đưa con tiêm ngừa dịch vụ ở Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, cho biết: "Nghe nói các bệnh này rất nguy hiểm, nhất là đã có 3 người tử vong nên tôi đưa bé đi tiêm ngừa dịch vụ 5 trong 1 ngay để phòng bệnh lâu dài".

 Nhiều bà mẹ chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa bệnh bạch hầu.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ: "Để chủ động phòng bệnh BH, bà mẹ đưa trẻ dưới 12 tháng tuổi, đến các trạm y tế tiêm ngừa vắc xin quinvaxem 5 trong 1. Chú ý phải tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch. Vắc - xin này có 3 mũi tiêm cơ bản, sau 18 tháng tuổi tiêm nhắc thêm 1 mũi DPT (uốn ván-BH-ho gà). Trước khi tổ chức tiêm tại trạm y tế, TTYTDP TP Cần Thơ vận chuyển đến TTYTDP, Trung tâm y tế quận, huyện và bảo quản theo dây chuyền lạnh. Đến ngày tiêm chủng, trạm y tế lên nhận vắc - xin về tiêm trong ngày; tiêm xong đem về bảo quản tại quận, huyện. Ngoài ra, tại TTYTDP TP Cần Thơ có tiêm dịch vụ pentaxim 5 trong 1". Trước đây, có thời điểm khan hiếm vắc - xin dịch vụ 5 trong 1. Với lo ngại này của người dân, bác sĩ Trần Văn Tuấn cho biết thêm: "TTYTDP TP Cần Thơ chuẩn bị đầy đủ vắc - xin 5 trong 1 dịch vụ để tiêm cho người dân có nhu cầu. Người dân không nên hoang mang, lo lắng quá về bệnh BH, bởi lẽ năm gần đây, tỷ lệ tiêm ngừa 5 trong 1 tại TP Cần Thơ đạt rất cao, tạo miễn dịch trong cộng đồng. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2014 và 2015, tỷ lệ tiêm quinvaxem đạt 98,6%-99%, tiêm nhắc (DPT mũi 4) đạt trên 97%. Nhờ vậy, 5 năm gần đây, thành phố không có ca bệnh BH".

* Cẩn trọng khi bị viêm họng

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh BH lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, nhất là khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Theo nhiều chuyên gia, do có vắc - xin phòng bệnh nên các ca bệnh (nếu có) chỉ xảy ra rải rác ở những vùng mà người dân chủng ngừa không đầy đủ. Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Bảo, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, thông thường, bệnh nhiều nhất ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn. Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Các triệu chứng bệnh BH chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn BH sẽ tạo lớp màng giả màu trắng bám trong vòm họng. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra, lấp đường hô hấp, khiến người bệnh ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn BH gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố theo máu, tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản. Sau khi phát hiện bệnh BH, để ngừa các triệu chứng độc tố của vi khuẩn, người bệnh sẽ được chích ngừa kháng độc tố BH (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để trung hòa độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tố tác động lên tim, thận và các hệ thần kinh khác. Sau đó người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh như: Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin…nhưng Penicilin thường được dùng nhất.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Bảo khuyến cáo người dân, khi bị viêm họng thì nên đi khám ngay. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng thì người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng. Để chủ động phòng chống bệnh BH, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Đưa trẻ đi tiêm vắc - xin phối hợp phòng bệnh BH: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết