02/06/2009 - 08:48

Liệu ông Obama có cải thiện được mối quan hệ với thế giới Hồi giáo ?

Người A-rập đốt cờ Mỹ, hình ảnh mà ông Obama không muốn tái diễn.
Ảnh: AP

Ngày mai 3-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Thủ đô Riyadh, bắt đầu chuyến thăm Arabie Séoudite trước khi đến Ai Cập. Mục đích chuyến công du này của ông Obama là nhằm cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong thế giới Hồi giáo- A-rập, sau những hiểu lầm sâu sắc dưới thời cựu Tổng thống George Bush.

Trọng tâm chuyến đi là bài phát biểu của ông Obama tại Đại học Cairo ở Ai Cập ngày 4-6. Denis McDonough, trợ lý cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, cho biết ông Obama sẽ trình bày quan điểm cá nhân về đạo Hồi, tận dụng những mối quan hệ của tổ tiên với tôn giáo này để truyền bá thông điệp đối thoại với tôn giáo có hơn 1 tỉ tín đồ trên thế giới. Đó là việc ông Obama có một số người thân bên nội ở Kenya theo đạo Hồi, là thời gian ông sống ở quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới Indonesia, hay việc ông thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng Hồi giáo khi còn là thượng nghị sĩ bang Illinois.

Hình ảnh của nước Mỹ trong thế giới Hồi giáo bị hoen ố bởi cuộc chiến Iraq mà đỉnh điểm là vụ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib, việc chính quyền Bush “bật đèn xanh” cho Israel tấn công Liban và Dải Gaza. Ngay khi lên nắm quyền hồi đầu năm nay, Tổng thống Obama đã nỗ lực khắc phục những sai lầm đó bằng những động thái thể hiện thái độ hòa hợp với đạo Hồi. Ông đã điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngay sau lễ nhậm chức và có bài phát biểu trên kênh truyền hình A-rập Al-Arabiya. Ông Obama cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran và cam kết không để xảy ra chiến tranh với quốc gia Hồi giáo này. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama còn cam kết rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Iraq vào năm 2011, quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo và mời các nhà lãnh đạo Trung Đông tới thăm Nhà Trắng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc ông Obama tiếp cận thế giới Hồi giáo thời điểm này có nhiều rủi ro vì sự bất đồng giữa Mỹ và Israel về các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine, và vấn đề hạt nhân của Iran chưa có lối thoát. Flynt Leverett, quan chức Mỹ từng rời khỏi chính quyền Bush vì bất đồng về chính sách Trung Đông, cho rằng thế giới không nên quá mong chờ vào chuyến thăm này. Còn theo Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), nỗ lực của ông Obama có thể làm giảm thái độ chống Mỹ, chứ khó thể làm hài lòng người Hồi giáo. Theo khảo sát hồi năm 2004 của mạng tin WorldPublicOpinion.org, có trụ sở ở Đại học Maryland (Mỹ), chỉ 4% người Ai Cập có quan điểm thân Mỹ. Khảo sát của hãng tin McClatchy/Ipsos ở 6 nước A-rập hồi tháng rồi cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên 33%, nhưng số người không thích Mỹ vẫn rất cao với 43%.

Mặt khác, người Hồi giáo-A-rập vẫn hoài nghi về khả năng thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington, vốn thiên vị Israel. Nếu muốn sự ủng hộ của họ, Tổng thống Obama cần có chính sách buộc Tev Aviv chấm dứt sự chiếm đóng ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, những vùng đất mà người Palestine muốn thành lập nhà nước độc lập, chứ không chỉ ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái.

N.MINH
(Theo AFP, AP, Washingtonpost)

Người A-rập đốt cờ Mỹ, hình ảnh mà ông Obama không muốn tái diễn. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết