|
Ông Saad Hariri. |
Việc ông Saad Hariri, con trai cựu Thủ tướng Rafik Hariri (bị ám sát năm 2005), được bổ nhiệm làm thủ tướng Liban hôm 27-6 được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định cho quốc gia Tây Á hơn 4 triệu dân này sau mấy thập niên nội chiến và chia rẽ chính trị sâu sắc giữa các phe phái.
Ông Hariri vừa có cuộc gặp với thủ lĩnh phong trào Hezbollah đối lập Hassan Nasrallah để bàn về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới. Theo lời ông Hariri thì cuộc gặp này “thành công ngoài mong đợi”. Ngoài việc đồng ý tham gia chính phủ mới, Hezbollah còn ra tuyên bố chung với Phong trào Tương lai của ông Hariri, kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị ở Liban cùng nhượng bộ, tránh đối đầu để giảm bớt căng thẳng. Theo báo chí Liban, chính phủ mới có thể gồm 30 bộ trưởng, trong đó liên minh của ông Hariri nắm 16 ghế, phe đối lập 10 ghế và 4 ghế thuộc về các nhân vật gần gũi với Tổng thống Michel Suleiman.
Theo giới phân tích, việc ông Hariri trở thành thủ tướng một cách suôn sẻ như vậy ắt hẳn có một thỏa thuận nào đó giữa các phe phái đối nghịch, cũng như giữa Arabie Séoudite (ủng hộ ông Hariri) và Syrie (bảo trợ cho Hezbollah). Quan hệ đang được cải thiện giữa Arabie Séoudite và Syrie được xem là yếu tố đảm bảo cho sự ổn định ở Liban.
Nhưng những ngày sắp tới sẽ không dễ dàng đối với ông Hariri. Giới phân tích cho rằng Hezbollah, đang là lực lượng chính trị và quân sự mạnh nhất ở Liban, cùng các đồng minh sẽ không dễ gì từ bỏ quyền phủ quyết mà họ khó khăn lắm mới giành được hồi năm ngoái. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào đầu tháng này, ông Hariri tuyên bố chỉ chấp nhận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc nếu phe Hezbollah từ bỏ quyền phủ quyết. Người ta không biết trong cuộc gặp mới đây giữa ông Hariri với thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah, vấn đề này được dàn xếp hay chưa. Thực tế là để thuyết phục Hezbollah ủng hộ chính phủ mới, ông Hariri đã có bước nhượng bộ khi tuyên bố tạm hoãn kế hoạch giải giáp lực lượng Hồi giáo vũ trang dòng Shiite này. Chưa hết, trước sự phản đối của phe Hezbollah, Thủ tướng Hariri có thể sẽ phải xem xét lại sự ủng hộ đối với tòa án Liên Hiệp Quốc điều tra vụ sát hại cha ông. Thời gian gần đây, người ta thấy ông bớt chỉ trích Syrie, bị tình nghi đứng sau cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri.
Nếu lùi thêm bước nữa, tức trao cho phe Hezbollah quyền phủ quyết, vị thế của ông Hariri sẽ yếu đi vì khó thông qua các quyết định quan trọng; bằng ngược lại, sự tồn tại của chính phủ đoàn kết dân tộc là điều không ai dám bảo đảm. Còn nhớ hồi tháng 5 năm ngoái, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 18 tháng ở Liban suýt chút nữa bùng nổ thành nội chiến. Tình hình chỉ tạm ổn khi một chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập, trong đó Hezbollah nắm 11 ghế trong nội các 30 ghế và được trao quyền phủ quyết.
Ngoài việc “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với phe Hezbollah, khoản nợ quốc gia hơn 50 tỉ USD cũng là một thách thức đối với chính phủ của chính khách 39 tuổi thân phương Tây này.
Mặc dù còn ngổn ngang các mối quan hệ tương quan rất phức tạp, song các nhà phân tích cho rằng những gì đang diễn ra cho thấy chính trường Liban dường như đang mở ra một cục diện mới mà hệ quả của nó cũng thật rất khó lường.
LÊ DÂN (Theo Reuters, AFP)
Tân Thủ tướng Saad Hariri tốt nghiệp ngành kinh doanh tại Đại học Georgetown (Mỹ). Ngoài sự nghiệp chính trị, ông còn là một tỉ phú khi sở hữu tập đoàn xây dựng, ngân hàng và viễn thông Saudi Oger (có trụ sở ở Arabie Séoudite), một trong những doanh nghiệp lớn nhất Trung Đông với khoảng 35.000 nhân viên. Năm ngoái, ông được tạp chí Time xếp vào danh sách 10 chính khách giàu nhất thế giới với tài sản 3,3 tỉ USD. |