30/09/2019 - 14:02

Làn sóng Trung Quốc nhìn từ Sihanoukville 

Từ 3 năm qua, nhờ chính sách nới lỏng nhập cư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Campuchia, thành phố cảng Sihanoukville ở phía Tây Nam nước này đã có sự phát triển bùng nổ bởi nguồn tiền khổng lồ và làn sóng người Trung Quốc nhảy vào kinh doanh sòng bạc, xây dựng và dịch vụ. Kéo theo đó là những hệ lụy hết sức nhức nhối...

Người nghèo Campuchia bên công trình cao tầng của người Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

►Từ cứ điểm BRI

Sihanoukville là thành phố thuộc tỉnh Preah Sihanoukville. Thị trưởng Sihanoukville Y Sokleng cho biết, số công dân Trung Quốc đến thành phố này sinh sống hiện khoảng 80.000 người, gần tương đương với cư dân Campuchia tại đây. Chuon Narin, cảnh sát trưởng của Preah Sihanoukville, cho hay hiện khoảng 90% hoạt động kinh doanh tại thành phố, từ khách sạn cho đến nhà hàng, casino, mát-xa đều do người Trung Quốc nắm giữ. Khoảng 200 công trình đang xây dựng tại thành phố mà phần lớn cũng thuộc vốn đầu tư từ Trung Quốc. Sihanoukville hiện có 88 casino, tăng mạnh so với 4 casino cách đây chưa tới 4 năm. 

 Nằm về phía Nam Campuchia bên vịnh Thái Lan, cách thủ đô Phnom Penh chừng 240km, Sihanoukville là thành phố với cảng nước sâu duy nhất ở Campuchia. Thị trưởng Y Sokleng xác nhận Sihanoukville là cứ điểm quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Thành phố này hiện có một đặc khu kinh tế do doanh nghiệp Trung Quốc quản lý với hơn 30.000 công nhân Campuchia làm việc. Một công ty xây dựng Trung Quốc đang xây dựng đường cao tốc 4 làn xe nối Sihanoukville với Phnom Penh. 

Sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc đã mang lại cơ hội thu nhập cho một số người dân Sihanoukville nói riêng và Campuchia nói chung. Sorn Lidy, 25 tuổi, nhân viên bất động sản làm việc cho một nhà phát triển địa ốc Trung Quốc, bày tỏ sự hạnh phúc khi cô được trả thêm 1.000 USD/tháng khi làm phiên dịch cho doanh nhân từ Trung Quốc. Bou Saroeun, chủ cửa hàng thực phẩm, cho biết gia đình ông hiện ăn nên làm ra nhờ có nhiều du khách Trung Quốc. Ông cũng đã cho người Trung Quốc thuê nhà 2.000 USD/tháng. Người đàn ông 50 tuổi này tỏ ra lạc quan khi nói rằng ông khuyên 5 đứa con của mình nên học tiếng Trung Quốc vì điều này sẽ cho họ một tương lai tốt đẹp hơn.

►Đến “thành phố Trung Quốc”

Với sự xuất hiện khắp nơi của người Trung Quốc tại Sihanoukville, tờ South China Morning Post (Hong Kong) mô tả đi bất kỳ đâu tại đây, người ta đều có thể nghe tiếng Quan thoại (Mandarin). Phần lớn các quán ăn, cà phê, cửa hàng truyền thống một thời ở trung tâm thành phố đã biến mất. Thay vào đó là các nhà hàng, ngân hàng, siêu thị và khách sạn đều có gắn biển hiệu chữ Trung Quốc. Do giá nhà đất tăng chóng mặt, các khu vực chờ truyền thống bán hàng hóa địa phương đều chuyển ra ngoại thành. “Sihanoukville giống như tấm áp phích về sự phát triển của Trung Quốc (ở Campuchia)” - ông Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định. 

Người ta thậm chí ví Sihanoukville là “thành phố Mao Trạch Đông” hoặc “thành phố Trung Quốc”. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển bùng nổ là vô số hệ lụy nan giải, phức tạp như sự quá tải của hệ thống hạ tầng, thiếu kỷ luật, nhập cư bất hợp pháp, tội phạm, xuống cấp môi trường. 

Sihanoukville chìm trong biển nước  sau cơn mưa hồi tháng 8-2019. Ảnh: Mother Nature

Thành phố nhỏ bé này không thể đáp ứng nhu cầu về điện nước, hệ thống thoát nước và thu gom chất thải. Một cơn mưa lớn mới đây đã nhấn chìm Sihanoukville trong biển nước. Tình trạng xây dựng trái phép và mất an toàn diễn ra tràn lan. Vụ sập tòa nhà 7 tầng đang xây dựng làm thiệt mạng 28 lao động Campuchia hồi tháng 6-2019 đã dẫn đến cuộc điều tra sâu rộng khắp thành phố và phát hiện ra rằng có 22 công trình xây dựng không phép, tức khoảng 10% dự án tại đây mà phần lớn thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc. Thống đốc Yun Min khi đó của tỉnh Preah Sihanoukville đã buộc phải từ chức. Tình trạng tội phạm như giết người, mại dâm, ma túy, cờ bạc, lừa đảo năm 2018 tăng 25% so với năm trước. Hồi tháng 7-2019, cảnh sát Sihanoukville bắt giữ 146 người, phần lớn là người Trung Quốc, vì bị tình nghi buôn bán và sử dụng ma túy tại một hộp đêm do người Trung Quốc làm chủ. Từ giữa tháng 7 đến nay, đã có hơn 500 công dân Trung Quốc bị bắt giữ và bị trục xuất tại Sihanoukville, đa số là tội lừa đảo trực tuyến. Theo Bộ Nội vụ Campuchia, trong số 80.000 Trung Quốc sinh sống tại Sihanoukville thì chỉ có 20.000 có giấy phép lao động. 

Trong khi đó, do giá bất động sản tăng nhanh trước làn sóng đầu tư và nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc nên nhiều gia đình thu nhập thấp tại Sihanoukville phải ra ngoại thành sinh sống. Maggie Eno, điều phối viên và là thành viên sáng lập của nhóm bảo vệ trẻ em M’Lop Tapang, cho biết các gia đình thu nhập thấp không thể sinh sống tại khu phố cũ của họ vì giá thuê nhà quá cao. Họ sống ở ngoại thành thuộc khu vực tồi tàn. Họ cũng không thể vào thành phố bởi giao thông rất kinh khủng. Thậm chí khi sống xa trung tâm thành phố, họ phải trả tiền thuê nhà 200 USD/tháng, tăng mạnh so với 30 USD/tháng cách đây 3 năm. 

Quan hệ Campuchia-Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2010. Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia. Giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc đầu tư 5,3 tỉ USD vào Campuchia. Năm 2018, Campuchia thu hút 3,1 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó Trung Quốc đứng đầu. Theo Bộ Du lịch Campuchia, năm 2018 có khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc thăm Campuchia, tăng 70% so với năm trước đó. Có hơn 250.000 người Trung Quốc sinh sống tại Campuchia, chiếm hơn 60% người nước ngoài ở đây. Đầu năm 2019, Bắc Kinh cam kết bổ sung 588 triệu USD viện trợ trực tiếp cho Phnom Penh trong 3 năm. 

KIẾN HÒA 

Chia sẻ bài viết