09/07/2015 - 09:06

Khủng hoảng tài chính, Trung Quốc hay Hy Lạp?

Trong khi phương Tây đang đau đầu gỡ rối tình hình Hy Lạp, các chuyên gia kinh tế ngược lại có cơ sở lo lắng khủng hoảng tài chính thật sự đang diễn ra ở Trung Quốc khi thị trường chứng khoán nước này tiếp tục lao dốc, bất chấp nỗ lực trợ giúp của chính phủ.

Theo báo Anh Guardian, hiện gần 950 công ty Trung Quốc đình chỉ giao dịch cổ phiếu sau khi thị trường đóng cửa để ngăn các nhà đầu tư bán tháo có thể khiến thị trường vốn đã mất hơn ¼ giá trị kể từ đỉnh cao đạt được hồi tháng 6 giảm điểm sâu hơn nữa. Trong nỗ lực ngăn chặn đà sụt giảm, Trung Quốc cũng hạn chế việc phát hành cổ phiếu mới (IPO) cùng lúc các công ty môi giới và quản lý quỹ của nước này cam kết mua lượng lớn cổ phiếu với sự hỗ trợ của công ty tài chính quốc doanh được hậu thuẫn bằng nguồn thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).

Thị trường chứng khoán Trung Quốc chìm trong sắc đỏ bất chấp nỗ lực trợ giúp của chính phủ. Ảnh: Imagine China

 

Các hãng bảo hiểm lớn của Trung Quốc đã đổ hàng chục tỉ Nhân dân tệ vào các quỹ ETF blue-chip và cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Theo đó, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance Co Ltd) đã mua 1,6 tỉ USD, trong khi Tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 Trung Quốc China Pacific Insurance Group và các công ty bảo hiểm khác mỗi công ty đầu tư hơn 161 triệu USD. Tuy động thái này giúp đà giảm có chững lại vào hôm 6-7 nhưng đến phiên giao dịch hôm 7-7, chỉ số CSI300 của các công ty niêm yết lớn ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 1,8%, trong khi chỉ số các công ty nhỏ ChiNext tiếp tục đà suy thoái, giảm tới 5,1%. Lúc phiên giao dịch bắt đầu mở vào hôm 8-7, chỉ số Shanghai Composite Index chìm trong sắc đỏ khi rớt 8% và giảm còn 5,9% trước đóng cửa, còn Shenzhen composite thì tuột 2,5%.

Sự sụt giảm trở lại sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 7-7 cho rằng Bắc Kinh có đủ tự tin đối phó với các thách thức kinh tế, nhưng lại không đề cập sự lao dốc 3 tuần qua khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ giữa tháng 6 mất gần 30% giá trị (tương đương 3,2 nghìn tỉ USD và gấp 10 lần tổng sản phẩm quốc nội của Hy Lạp). Theo các chuyên gia, việc tạm đình chỉ giao dịch là chiến thuật của cơ quan quản lý nhưng đến nay đã thất bại trong việc khôi phục niềm tin nhằm chặn đà suy thoái. "Tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong xu hướng giảm hiện nay. Vấn đề là thị trường sẽ giảm chậm lại hoặc tiếp tục lao dốc tự do mà thôi" – chuyên gia phân tích Qi Yifeng thuộc công ty tư vấn CEBM nhận xét. Hiện các nhà đầu tư còn lo ngại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể đang đi theo "vết xe đổ" của thảm kịch sụp đổ toàn diện trên sàn chứng khoán Mỹ năm 1929, mở đầu cho cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930.

Trong khi đó tại Brussels (Bỉ), giới lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau cuộc họp khẩn cho biết trong ngày hôm nay 9-7 Hy Lạp phải đưa ra được các đề xuất cải tổ mới cho các chủ nợ và cuối tuần này phải đạt được thỏa thuận giải cứu để tránh nền kinh tế bị sụp đổ và ra khỏi Eurozone. Dự kiến trong ngày 12-7, lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) còn gặp nhau trong hội nghị khẩn được xem là cơ hội cuối để giải quyết khủng hoảng Hy Lạp.

Phát biểu sau cuộc họp hôm 8-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết tình hình hiện nay rất nghiêm trọng và thừa nhận đây là thời điểm cam go nhất trong lịch sử Eurozone. Thậm chí, ông không loại trừ khả năng xấu nhất là không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sau hội nghị cho biết nhân viên của ông đã lên kế hoạch gồm nhiều khả năng, kể cả kịch bản Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

MAI QUYÊN
(Theo NYT, Guardian, Bloomberg, CNN)

MAI QUYÊN (Theo NYT, Guardian, Bloomberg, CNN)

Chia sẻ bài viết