30/10/2022 - 11:00

Khủng hoảng năng lượng, châu Âu tìm đến châu Phi 

Các nhà lãnh đạo châu Âu thời gian gần đây đã lần lượt đến các nước châu Phi, mong muốn tìm ra giải pháp thay thế cho nguồn khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, qua đó làm giới chức lục địa đen dấy lên hy vọng rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể làm thay đổi mối quan hệ bất bình đẳng giữa lục địa này với châu Âu, từ đó thu hút làn sóng đầu tư vào khí đốt mới tại khu vực.

Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Senegal Macky Sall trong cuộc gặp hồi tháng 5. Ảnh: NYT

Theo tờ Thời báo New York (NYT), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hồi tháng 9 đã đến Senegal để theo đuổi các thỏa thuận khí đốt với nước này. Trước đó, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz hồi tháng 5 cũng có động thái tương tự. Ông Scholz mới đây đã nói với Quốc hội Ðức rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đòi hỏi lục địa già phải “hợp tác với các quốc gia có khả năng phát triển các mỏ khí đốt mới”, đồng thời giữ cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Các bộ trưởng của Ý cũng đã tháp tùng các giám đốc điều hành của Eni, một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới, đến Algeria, Angola, Cộng hòa Congo cũng như Mozambique, nơi một kho khí tự nhiên do Eni vận hành dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu trong thời gian tới. Hiện Eni đang thảo luận việc xây dựng thêm một kho khí tự nhiên khác với Chính phủ Mozambique.

Về phần mình, giới chức Cộng hòa Dân chủ Congo trong những tuần gần đây đã triển khai một chiến dịch tiếp thị quốc tế để thu hút sự chú ý của các công ty Mỹ và châu Âu đối với các lô dầu khí mới mà Kinshasa đưa ra đấu giá. NYT cho hay, các nhà hoạt động khí hậu đã lên án cuộc đấu giá này, bởi nó gồm các lô dầu nằm chồng lên một khu bảo tồn động vật cũng như các vùng đất than bùn khác lưu trữ một lượng lớn carbon dioxide, loại khí gây hiệu ứng nhà kính làm cho Trái đất nóng lên.

Dù giới lãnh đạo châu Âu liên tục đến thăm châu Phi nhưng một số dự án và đề xuất ở đó của châu Âu cũng gặp phải những trở ngại đáng kể. Eni đã mua một giàn khí đốt tự nhiên nổi ngoài khơi Cộng hòa Congo với giá hơn nửa tỉ USD. Thời gian qua, các giám đốc điều hành công ty cũng như các quan chức chính phủ thường xuyên lui tới, theo dõi dự án xem nó có thể cung cấp khí đốt vào năm sau hay không. Ðến năm 2024, công ty cũng dự kiến tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt từ Algeria, quốc gia được kết nối với Ý qua Ðịa Trung Hải bằng một đường ống. Hiện các giám đốc điều hành của Eni đang thảo luận về việc xây dựng một bến nổi thứ hai ở Mozambique ngay cả khi lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở phía Bắc Mozambique tiếp tục đe dọa dự án. Dẫu vậy, các giàn khoan ngoài khơi như vậy thường tạo ra ít khí đốt.

Trong khi đó, Chính phủ Senegal đã bắt tay với 2 công ty dầu khí BP (Anh) và Kosmos Energy (Mỹ) để phát triển một mỏ khí đốt ngoài khơi bờ biển Senegal, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới.l

Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng như vậy, Anh chỉ trong tháng này đã thông qua tới 100 giấy phép khoan khí đốt trong nước bất chấp nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cách tốt nhất để giảm chi phí năng lượng trong dài hạn là chuyển sang sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Về phần mình, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Mỹ, Ðức, Canada, Nhật Bản, Pháp, Ý và Anh) hồi tháng 7 đã “làm dịu” cam kết ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài.

Chia sẻ bài viết