|
Sau khi PAD rút khỏi các sân bay ở Bangkok, lực lượng UDD ủng hộ ông Thaksin bắt đầu tăng cường biểu tình trên đường phố.
Ảnh: Reuters |
Phán quyết giải tán đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền và hai đảng liên minh Chart Thai và Matchimathipataya của Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 2-12 được xem là nỗ lực tư pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) tuyên bố đây là thắng lợi của họ và lập tức rút khỏi 2 sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang ở Bangkok sau mấy ngày phong tỏa làm 350.000 du khách bị kẹt lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính trường Thái Lan khó ổn định nếu chính phủ mới tiếp tục “dây dưa” với Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Theo phán quyết, 15 nghị sĩ PPP, trong đó có Thủ tướng Somchai Wongsawat, 11 nghị sĩ Chart Thai và 9 nghị sĩ Matchimathipataya bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, do phạm tội gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Do đó, tổng số nghị sĩ của 6 đảng trong liên minh cầm quyền giảm từ 312 xuống còn 283, nhưng vẫn chiếm quá bán tại Quốc hội. Các nghị sĩ không nằm trong ban điều hành PPP có 60 ngày để thành lập một đảng mới, có thể mang tên đảng Peua Thai (Vì nước Thái). Theo hiến pháp, Thái Lan phải bầu chọn thủ tướng mới trong vòng 30 ngày (dự kiến sẽ diễn ra trong phiên họp đặc biệt vào ngày 8-12) và cuộc bầu cử bổ sung thêm đại biểu thay thế các nghị sĩ vừa bị cấm hoạt động phải được tổ chức trong vòng 45-60 ngày.
Ngay sau phán quyết của tòa án, PPP lập tức bổ nhiệm nội các lâm thời do Phó Thủ tướng Chaovarat Chanweerakul đứng đầu. Theo Bangkokpost, các nhân vật có khả năng sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng là Bộ trưởng Y tế Chalerm Yubamrung, Bộ trưởng Giao thông Santi Promphat và cựu Phó Thủ tướng Mingkwan Sangsuwan. Trong đó, ông Chalerm được xem là sự lựa chọn khôn ngoan để giải quyết tình hình chính trị đang bất lợi cho các nghị sĩ PPP. Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Chai Chidchop cũng là một khả năng. Tuy nhiên, vấn đề là PAD không chấp nhận các ứng viên hàng đầu của Puea Thai, cho rằng họ là “tay chân” của ông Thaksin.
Bên cạnh đó, vẫn còn hoài nghi liệu Peua Thai có đủ tính hợp pháp để thành lập một chính phủ mới hay không. Theo các nhà phân tích chính trị, với việc giải tán PPP, Chat Thai và Matchimathipataya, Ủy ban bầu của Thái Lan có thể sẽ hủy bỏ toàn bộ kết quả tổng tuyển cử năm 2007. Nếu điều đó xảy ra, các thẩm phán cao cấp có thể thành lập một Hội đồng Tối cao gồm 9 thành viên, có quyền bổ nhiệm thủ tướng và nội các tạm quyền. Cũng không loại trừ khả năng quân đội sẽ đảo chính để thành lập hội đồng điều hành đất nước như từng xảy ra trong cuộc lật đổ Thủ tướng Thaksin năm 2006.
Trong khi đó, Mặt trận thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) thân chính phủ xem phán quyết của tòa án là “cuộc đảo chính tư pháp” và đang huy động người ủng hộ biểu tình. Các nhà quan sát cho rằng UDD có thể tập hợp cả trăm ngàn người, gấp nhiều lần con số 20.000 của PAD, vì vậy nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực là rất lớn. Veera Musikhapong, đồng lãnh đạo UDD, nói bóng gió rằng nếu quân đội hoặc ai khác tìm cách thành lập chính phủ mới, lúc đó UDD sẽ kêu gọi chiến tranh.
NGUYỄN MINH (Theo Bangkokpost, AFP, Guardian)