07/04/2012 - 21:20

Không bỏ rơi

Các cố vấn có ảnh hưởng tích cực đối với trẻ em dễ bị tổn thương do cha mẹ tù tội.
Ảnh: thepartnership

Kayla Booze là một cô bé hạnh phúc và là học sinh hạng ưu tại trường tiểu học trước khi cảnh sát đến bắt cha của em. Tưởng chừng tuổi thơ của Kayla bị xáo trộn, việc học dở dang và tương lai mù mịt khi cha em lãnh án chung thân vì tội giết người năm 2005. Nhưng cô bé đã vượt qua mọi trở ngại. Hiện tại, em bước vào tuổi 17 và chuẩn bị thi vào đại học. Nhân tố chính giúp em thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng là cô Brenda Williams, người sát cánh cùng em từ năm 2009 thông qua chương trình “Cố vấn cho con của tù nhân” (MCP) của chính phủ Mỹ.

Kayla và hai em gái của em là những đứa trẻ nằm trong số đối tượng dễ bị tổn thương và ít được quan tâm tại Mỹ. Chúng là con cái bị bỏ lại của khoảng 2,3 triệu tù nhân Mỹ. Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính đất nước của Chú Sam hiện có 2,7 triệu trẻ em có cha hoặc mẹ phải ở tù, chiếm tỷ lệ 1/28 trẻ em. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 950.000 em vào năm 1987, với tỷ lệ 1/125 trẻ em. Ở trẻ em Mỹ gốc Phi, tỷ lệ trẻ có cha hoặc mẹ ngồi tù hiện tại lên đến 1/9 trẻ em. Những căng thẳng và xấu hổ vì tù tội của cha mẹ hình thành nên nhiều thách thức trong tuổi thơ của các em, từ nghèo khổ đến cuộc sống gia đình không ổn định. Do đó, những đứa trẻ này có nguy cơ kết thúc cuộc đời mình bằng cảnh tù tội cao hơn trẻ em khác.

Mẹ Kayla cho biết sau ngày cha em bị kết án, cô bé bắt đầu sống trong e dè và giận dữ. Do phải tần tảo nuôi 3 người con nên mẹ Kayla không có nhiều thời gian với con cái. Thành tích học tập sa sút và thái độ chán nản tưởng chừng đã khiến Kayla bị đuổi khỏi trường. Bước ngoặc của sự thay đổi chính là việc mẹ Kayla không còn phải một mình chăm sóc con cái vì sự có mặt của cố vấn Williams. Cô Williams đều đặn gặp Kayla hai tuần/lần, cùng em đi nhà thờ, dùng bữa hoặc đi dạo trong công viên. Cô cũng cùng mẹ Kayla đến họp phụ huynh khi nhà trường thông báo với gia đình về thành tích học không tốt của em. Nhờ sự động viên của cô Williams, Kayla tự học Piano và đang nỗ lực hướng đến mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang. “Cô ấy đã cổ vũ em, khuyên bảo em những điều mình cần làm. Cô ấy muốn em thành công, có thể viết sách và có sự nghiệp thời trang. Và em hiểu rằng em sẽ không làm được gì nếu em không tốt nghiệp”- Kayla tâm sự.

Hệ thống kết nối Kayla và Williams là chương trình MCP với nguồn quỹ hỗ trợ hàng năm lên đến 49 triệu USD. Từ năm 2003 đến tháng 9-2011, MCP mang cố vấn tình nguyện đến với hơn 100.000 trẻ em là con của tù nhân, với hy vọng không trẻ em nào đơn độc tại đất nước cờ hoa. Sáng kiến này nhằm mang đến cho trẻ em sự hỗ trợ rộng lớn hơn của xã hội thông qua các tổ chức tôn giáo. MCP đồng hành cùng nhà thờ và những tổ chức đối tác khác để tuyển dụng và huấn luyện các chuyên viên cố vấn như cô Williams. Các cố vấn sẽ được ghép cặp với những trẻ em cần được giúp đỡ và sẽ trực tiếp tiếp xúc, giúp đỡ các em vượt lên khó khăn, tìm thấy hy vọng và thành công trong cuộc sống. Họ thường giúp các em cải thiện thành tích học tập, tạo điều kiện hình thành thói quen suy nghĩ điềm tĩnh, tránh những hành động nông nổi như đánh người thi hành công vụ hoặc dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn.

Mặc dù MCP không còn nhận nguồn quỹ của chính phủ từ tháng 9 năm rồi, mọi hoạt động của chương trình vẫn được duy trì cho đến nay. Báo cáo của hơn 10 trụ sở trên khắp nước Mỹ cho thấy hầu hết các cặp cố vấn và trẻ em vẫn tiếp tục gặp nhau và được giúp đỡ khi có vấn đề phát sinh. Để làm được điều này, ngoài đội ngũ cố vấn tình nguyện, chương trình bắt đầu vận động sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ tư nhân và cộng đồng. Nhiều thành phố có những sáng kiến về các phương pháp mới ít tốn kém để tiếp cận những trẻ cần được giúp đỡ thông qua mối quan hệ với các tổ chức cộng đồng khác tại địa phương.

Hiện tại, hoạt động tư vấn cho con của tù nhân đã đi vào quỹ đạo hoàn chỉnh. Báo CS Monitor của Mỹ nhận định: “Các cố vấn tình nguyện đã xây dựng được mối liên hệ mật thiết với các em, xuất phát từ tình cảm thật sự mà họ dành cho các em để duy trì mối quan hệ này cho dù không có nguồn quỹ hỗ trợ từ chính quyền liên bang”.

THUẬN HẢI (Theo CS Monitor)

Các cố vấn có ảnh hưởng tích cực đối với trẻ em dễ bị tổn thương do cha mẹ tù tội. Ảnh: thepar

Chia sẻ bài viết