03/10/2017 - 10:44

Hậu trưng cầu dân ý về độc lập

Khó khăn chồng chất cho người Kurd ở Iraq 

Vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hôm 25-9 của cộng đồng người Kurd ở Iraq, các biện pháp trừng phạt từ chính quyền trung ương và những quốc gia có người Kurd sinh sống (do lo sợ đây sẽ là một tiền lệ xấu) đã bắt đầu có hiệu lực.

Hiện chỉ có những chuyến bay nội địa được đến và đi từ Phi trường Quốc tế Erbil. Ảnh: AFP

Ngày 30-9, truyền hình quốc gia Iran cho biết Tehran đã cấm hoạt động vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ đến và đi từ khu vực người Kurd ở Iraq nhằm đáp trả cuộc trưng cầu dân ý. Đây là đòn giáng mạnh vào kinh tế bởi khu tự trị có diện tích gần 79.000 km2 và dân số 5,3 triệu người này sống chủ yếu dựa vào dầu mỏ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố ngừng mọi giao dịch về dầu mỏ với Chính quyền Khu vực Kurdistan (KRG) và chỉ phối hợp với Chính phủ Iraq trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq có nguy cơ gây ra “chiến tranh sắc tộc”, đồng thời tuyên bố tất cả các phương án, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế tới can thiệp quân sự, đều được cân nhắc nhằm đáp trả. Ông Erdogan cảnh báo cộng đồng người Kurd tại đây sẽ chết đói một khi Thổ Nhĩ Kỳ chặn các xe tải của Iraq đi qua khu vực biên giới. Còn Thủ tướng Binali Yildirim cho biết Thổ Nhĩ Kỳ  muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Iraq và Iran để phối hợp  hành động.

Trong khi đó, việc lui tới khu vực người Kurd từ ngày 29-9 cũng trở nên khó khăn hơn sau khi lệnh cấm bay của Chính phủ Iraq bắt đầu có hiệu lực. Baghdad đã cấm mọi chuyến bay quốc tế đến và đi từ thủ phủ Erbil cho đến khi KRG trao lại các sân bay Erbil và Sulaimanya cho chính quyền trung ương. Biện pháp này được cho là tác động không nhỏ đối với người Kurd, bởi Erbil là một trạm trung chuyển khu vực và có nhiều người nước ngoài sinh sống.

Trước lệnh cấm này, một số hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Đức, Áo và Lebanon đã thông báo ngừng các chuyến bay tới  Erbil.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Iraq hôm 29-9 tuyên bố nước này có kế hoạch phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các đường biên giới của khu tự trị người Kurd. Sau cuộc trưng cầu dân ý, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu KRG từ bỏ quyền kiểm soát đối với các cửa khẩu biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria. Tuy nhiên, KRG tuyên bố sẽ không giao quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới ở khu vực này cho Baghdad.

Người đứng đầu KRG Masoud Barzani nói rằng có tới hơn 92% người Kurd ủng hộ độc lập và kêu gọi chính quyền trung ương “đối thoại nghiêm túc” thay vì trừng phạt KRG. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dù khẳng định Baghdad sẽ không đàm phán với KRG do đây là cuộc trưng cầu dân ý “trái hiến pháp”, nhưng trong một phát biểu hôm 30-9 đã cam kết “sẽ bảo vệ người Kurd như bảo vệ người dân Iraq và không cho phép bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào cộng đồng này”.

Người Kurd là dân tộc lớn thứ tư ở Trung Đông với khoảng 25-35 triệu người đang sinh sống tại khu vực biên giới các nước Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Armenia.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd chiếm 15-20% dân số, tương đương với ở Iraq. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Syria là 7-10%, Iran là hơn 10% và Armenia khoảng 2%.

QUỐC KHÁNH (Theo BBC) 

Chia sẻ bài viết