16/05/2014 - 22:23

Khiêu khích !

Đó là từ mà các quan chức Mỹ, lập pháp lẫn hành pháp, ngoại giao lẫn quốc phòng, Dân chủ lẫn Cộng hòa, dùng để chỉ trích việc Trung Quốc từ ngày 1-5 ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 cùng hàng trăm tàu vũ trang, tàu quân sự, máy bay hộ tống vào vùng biển Việt Nam và hạ đặt giàn khoan này trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Washington ngày 15-5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hành động của Bắc Kinh là "nguy hiểm và khiêu khích". Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey tuy không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc trong buổi tiếp ông Phòng rạng sáng 16-5 (giờ Việt Nam) nhưng cũng có cùng quan điểm. Theo Reuters, khi được hỏi liệu Trung Quốc có hành xử khiêu khích trong tranh chấp với Việt Nam, Tướng Dempsey nói rằng "sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp là khiêu khích". Theo một quan chức cấp cao (giấu tên) của Mỹ, hành động của Trung Quốc với các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang gây căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung và khiến Washington lo ngại về khả năng hợp tác với Bắc Kinh tại châu Á và trong các vấn đề song phương.

Quan chức Mỹ đầu tiên dùng từ khiêu khích để mô tả hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki. Trong cuộc họp báo ngày 6-5, bà Psaki nói: "Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là một hành động khiêu khích". Những ngày sau đó, bà Psaki còn nhiều lần phát biểu như vậy. Đặc biệt trong cuộc họp báo ngày 13-5, bà thẳng thừng nói với một phóng viên Trung Quốc rằng việc khẳng định Bắc Kinh khiêu khích gây căng thẳng ở Biển Đông không chỉ là của Mỹ mà còn là quan điểm của nhiều nước. Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ là bà Marie Harf hôm 15-5 thì gọi hành động của Trung Quốc là "cách hành xử nguy hiểm và hăm dọa".

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 12-5 cũng gọi hành động ngang ngược của Bắc Kinh là "khiêu khích" khiến ông Vương giận dữ, nhắc nhở hãy "hành động và phát ngôn cẩn trọng". Không biết có phải vì lý do đó hay không mà trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam tại Washington cùng ngày, ông Kerry đã nâng cấp từ "khiêu khích" lên thành "hiếu chiến".

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney trong cuộc họp báo ngày 14-5 tuy không dùng từ "khiêu khích" nhưng ngầm chỉ trích hành động hung hăng của Trung Quốc khi nói "căng thẳng ở Biển Đông xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu cách bờ biển Việt Nam 193km cần phải được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không phải bằng các biện pháp hăm dọa". Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc sẽ bị cô lập liên quan tới cuộc đối đầu với Việt Nam tại Biển Đông.

Về phía lập pháp, Thượng nghị sĩ John McCain ngày 7-5 đã ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc, cho rằng việc hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân bao vây và tông vào các tàu của Cảnh sát biển Việt Nam là hành vi khiêu khích, hung hăng và hiếu chiến. Sau đó, một nhóm các Thượng nghị sĩ chủ chốt của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng với Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy cũng ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng ở Biển Đông.

Tại Hạ viện, hai hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega và Eliot L. Engel đã lần lượt ra thông cáo báo chí mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Không chỉ giới chức Mỹ mà nhiều tổ chức quốc tế, chính khách và học giả cũng nhận định hành động của Trung Quốc là khiêu khích. Nói như Tiến sĩ người Ấn Độ Subhash Kapila thuộc Nhóm Phân tích Nam Á (SAAG), thì: Thái độ ức hiếp và chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc là hành động khiêu khích và vô trách nhiệm.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết