21/08/2011 - 09:37

Khi tình yêu vượt vượt lên thù hận

Dù có nằm mơ, chị Edmonda Kardaku cũng không ngờ mình sẽ lấy anh Zoran Tomic, có con với anh và định cư tại quê chồng. Đơn giản vì chị là người Hồi giáo gốc Albanie, còn anh là người Thiên chúa giáo gốc Serbia.

Zoran và Edmonda hạnh phúc bên nhau. 

Nhiều thế hệ qua, quan hệ giữa người Albanie và Serbia vốn đã “cơm không lành, canh không ngọt”. Khi khu vực Kosovo có đông người Albanie rục rịch muốn tách khỏi Serbia những năm 1990, mâu thuẫn này càng trở nên sâu sắc. Đến khi Kosovo tự tuyên bố độc lập năm 2008 và được một số nước trên thế giới công nhận, mối thù hằn giữa hai dân tộc lên đến đỉnh điểm.

Tuy nhiên, nhiều người thuộc thế hệ trẻ như anh Zoran lại muốn bước qua những rào cản thù hận này. “Tôi không quan tâm mọi người nghĩ sao về vợ tôi, họ thuộc về một thế hệ khác”, anh chàng 37 tuổi cương quyết và cho biết không ép bà xã phải từ bỏ đạo Hồi. Về phía mình, chị Edmonda chia sẻ anh chị đến với nhau bằng tình yêu chân thật. “Khi tôi còn nhỏ, ông bà và cha mẹ luôn nói nhiều về mối hận thù. Nhưng khi gặp Zoran, không gì cản trở được tôi cả”, chị bộc bạch với gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Giờ đây, người phụ nữ 36 tuổi đã theo chồng về sống tại một ngôi làng nhỏ hẻo lánh ở Serbia.

Zoran hồi tưởng lại quá trình tìm vợ khá vất vả của mình. Trong ngôi làng chỉ có 12 hộ dân, anh không tìm được ý trung nhân nên phải xuôi về Nam để qua biên giới Albanie. Tại đây, dù được mai mối nhiều phụ nữ nhưng Zoran đều không thấy hợp nhãn. Đến khi gặp Edmonda, anh mới biết đã tìm đúng “một nửa” thật sự. Dù vậy, Zoran cho biết thật không dễ dàng để thuyết phục cha mẹ Edmonda. Anh đã mất nhiều công sức và tuân thủ đầy đủ lễ nghi của người Albanie theo đạo Hồi mới rước được nàng về dinh.

Câu chuyện tình đẹp của Zoran và Edmonda không phải là hy hữu trong bối cảnh có khá nhiều “mày râu” Serbia vượt biên qua Albanie để tìm hôn thê. Cũng giống như hầu hết các quốc gia vùng Balkan khác, Albanie và Serbia đang đối mặt với tình trạng nam thanh nữ tú rời bỏ làng quê lên thành thị hoặc ra nước ngoài để đổi đời. Vì thế, các ngôi làng chỉ còn lại người già và trẻ em. Song có sự trái ngược là tại Serbia, đa số những người bỏ đi đều là phụ nữ. Trong khi đó tại Albanie, đối tượng ly hương lại là đàn ông. Và đó là lý do cánh mày râu Serbia chọn phái đẹp Albanie để gá nghĩa tào khang.

Theo Pavlo Jaku - luật sư về di trú đại diện cho người Serbia tại Albanie, văn phòng của ông hiện đang nhận khoảng 8.000 bộ hồ sơ của những nam giới Serbia muốn cưới vợ Albanie. Trước đó, đã có khoảng 1.000 cuộc hôn nhân như thế diễn ra. Dù thù hận sắc tộc và thành kiến tôn giáo vẫn còn tồn tại giữa 2 nước láng giềng, nhưng chính phủ Albanie và Serbia gần đây đã có một vài động thái nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Tháng rồi, hai nước đã đồng ý bãi bỏ yêu cầu thị thực và đơn giản hóa thủ tục định cư đối với những đôi vợ chồng Albanie-Serbia.

BẢO TRÂM (Theo AP)

Chia sẻ bài viết