29/06/2012 - 08:32

Khi Euro áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran

Một cơ sở khai thác dầu ở Iran. Ảnh: AP 

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, các nhà mua dầu lớn nhất của Iran sẽ mất quyền thâm nhập thị trường bảo hiểm có trụ sở đặt tại Luân Đôn (Anh), nơi bảo vệ 95% các tàu chở dầu của thế giới trước những rủi ro tiềm ẩn trên đường vận chuyển, khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ chống Iran.

Theo Reuters, trừ phi một thỏa thuận vào phút chót có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt của EU, Hiệp hội bảo hiểm P&I mới đảm bảo rằng các tàu chở dầu có thể bắt đầu chở dầu thô của Iran kể từ ngày 1-7. Trong một viễn cảnh như thế, các lô hàng xuất khẩu từ Iran, nhà cung cấp lớn thứ hai của OPEC, có thể bị trì trệ khi các công ty dầu nước ngoài đứng trước những rủi ro quá lớn mà không được bảo hiểm. Tập đoàn tài chính ngân hàng Citigroup (Mỹ) dự đoán trữ lượng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm 200.000 thùng/ngày so với tháng 5-2012, hiện đang ở mức 1,25 triệu thùng/ngày, chỉ khoảng một nửa so với trữ lượng dầu xuất khẩu của Iran hồi năm ngoái trước khi lệnh trừng phạt của EU trở nên cứng rắn hơn.

Iran cảnh báo lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến lợi ích EU

Hôm 26-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho rằng, quyết định cấm vận dầu mỏ của EU đối với Iran sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên EU. Theo ông Mehmanparast, quyết định “phi lý” và “đơn phương” của EU về việc ban hành các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ gây tổn hại đến bầu không khí hợp tác tích cực giữa hai bên. Những quyết định mang tính chất chính trị như thế cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nước châu Âu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran còn nhấn mạnh, các lệnh cấm vận sẽ có tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán sắp tới giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức), dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 7.

THANH BÌNH
(Theo Tân Hoa Xã)

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton ngày 25-6 cho biết EU đã thông qua quyết định chính thức áp dụng đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ ngày 1-7 tới, theo đúng thời hạn mà EU đã nhất trí đề ra từ cuối tháng Giêng năm nay. Biện pháp cấm vận của EU chống Iran bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của Iran. Lãnh đạo các nước EU khẳng định từ cuối tháng 4 vừa qua, họ đã thay thế được khoảng 70% nguồn cung dầu mỏ từ Iran và sẽ không gặp phải trở ngại gì trong việc áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ đầu tháng tới. Nhiều nguồn tin cho biết Chính phủ Hàn Quốc ngày 26-6 đã thông báo nước này sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran từ ngày 1-7 tới theo lệnh cấm trên. Như vậy, Hàn Quốc là khách hàng lớn đầu tiên của Iran tại châu Á ngừng mua dầu của quốc gia Hồi giáo này. Hiện khoảng 9% lượng nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc là dầu mỏ được sản xuất tại Iran.

Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế châu Âu cũng như thị trường dầu mỏ thế giới sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau ngày 1-7. Tuy nhiên, nhận định ấy không xoa dịu được nỗi lo của giới thương lái mua dầu từ Iran. Họ rục rịch rời P&I để tìm kiếm những nhà bảo hiểm khác có tiềm lực, bao gồm cả Nhật Bản. NITC, nhà điều hành tàu chở dầu tư nhân lớn nhất của Iran cũng trấn an khách hàng rằng họ có thể duy trì các lô hàng trong tình trạng vận chuyển với mức bảo hiểm 1 tỉ USD. Nếu được triển khai đầy đủ, về mặt lý thuyết 39 tàu của hạm đội NITC sẽ đủ để vận tải tối đa khoảng 62 triệu thùng dầu. Giả sử một chuyến đi tới Trung Quốc trong vòng 35 ngày, hạm đội NITC có thể vận chuyển 1,8 triệu thùng/ngày, nhiều hơn so với trữ lượng xuất khẩu dầu hiện tại của Iran. Tuy nhiên, nhiều nhà môi giới cho rằng 3/4 trong số 25 chiếc siêu tàu chở dầu “luôn bị kẹt cứng” lịch chuyên chở dầu từ các dàn khoan trên biển, trong khi các tàu nhỏ hơn thì không thích hợp để vận chuyển đường dài. Điều này sẽ làm cho Tehran gặp nhiều khó khăn hơn để duy trì xuất khẩu trong hoàn cảnh chỉ sử dụng tàu của NITC.

TRÍ VĂN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết