02/12/2010 - 09:49

Xung quanh vụ WikiLeaks tung tài liệu mật của Mỹ:

Kẻ phản bội có gương mặt trẻ thơ

 Bradley Manning với gương mặt trẻ thơ. Ảnh: AP

Như nhiều nguồn tin đã đưa, sau khi WikiLeaks tung ra loạt tài liệu mật mới làm rúng động ngành ngoại giao Mỹ, không ít người đặt câu hỏi: Ai đã “xì” cho trang mạng này những thông tin “bom tấn” như thế? Theo báo chí Mỹ, mọi nghi vấn đang nhắm về anh chàng binh nhất Bradley Manning, từng là chuyên viên phân tích thông tin tình báo tại căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq trước khi bị bắt hồi tháng 5 năm nay.

Bradley Manning năm nay mới 23 tuổi và hiện đang bị tạm giam tại căn cứ quân sự Quantico, bang Virginia. Theo lời khai của người bạn tâm giao Adrian Lamo của Manning thì hồi đầu năm nay, Manning cho biết anh ta đã sao chép nhiều tài liệu mật trong hồ sơ được tiếp cận. Tạp chí Wired của Mỹ sau đó công bố thông tin này và giải thích rằng Manning đã chuyển cho WikiLeaks gần 260.000 trang tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ.

Trong lần trò chuyện qua mạng với Lamo, Manning giải thích anh ta phát hiện nhiều thủ đoạn chính trị rất hiểm độc và kinh dị cần được phơi bày ra công chúng, đồng thời nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton và hàng ngàn nhà ngoại giao trên thế giới sẽ bị “đau tim” sau khi những trang tài liệu về chính sách đối ngoại được công bố. Manning còn nhận xét hệ thống và phương tiện bảo mật của Mỹ quá yếu kém, khi anh ta có thể mang đĩa vi tính vào phòng lưu trữ thông tin để nghe nhạc, rồi hát ca và sao nén tài liệu mật mà không có ai nghi ngờ gì.

Sở dĩ Manning coi Lamo như bạn tâm giao qua các diễn đàn và trang mạng xã hội vì đây là một cựu tin tặc từng thâm nhập thành công hệ thống an ninh của Microsoft và Yahoo. Tuy nhiên, Lamo đã nhiều lần bị cơ quan an ninh điều tra “điểm mặt” nên lo sợ bị tố cáo là tòng phạm nếu không khai báo sự thật cho cảnh sát về Manning. Ngày 26-5-2010, Manning bị các nhân viên điều tra của quân đội Mỹ bắt giữ tại Iraq, sau đó đưa qua nhà tù quân sự ở Koweit và chuyển về Virginia. Hiện tại, Manning bị cáo buộc đã “trao đổi, tuyên truyền và cung cấp thông tin mật”, đồng thời bị nghi ngờ trao cho WikiLeaks 92.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến tại Afghanistan. Nếu bị kết tội, Manning sẽ lãnh mức án 52 năm tù giam.

Ngày 29-11, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan chính phủ rà soát lại toàn bộ quy trình bảo quản thông tin mật. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cấm nhân viên lưu trữ tài liệu nhạy cảm trong các thiết bị có thể mang theo người. Lầu Năm Góc cũng đã tăng cường an ninh đối với hệ thống máy tính mật nhằm ngăn chặn các vụ rò rỉ tài liệu, tiến hành các thay đổi cơ bản, bao gồm cả việc giới hạn số hệ thống được phép chuyển dữ liệu cũng như hệ thống theo dõi để phát giác việc tiếp cận hay sử dụng dữ liệu một cách bất thường. Bộ này cũng đào tạo các nhân viên chuyên xác định và ngăn chặn cái gọi là “mối đe dọa nội bộ”.

Nhưng không chỉ có Manning, theo Lamo, cựu binh sĩ này không thể tự hành động một mình, mà ít nhất có thêm một đồng phạm nữa mới có thể tiếp cận được dữ liệu cấm. Nhận vật mới bị tình nghi này là David House, 23 tuổi, một thành viên của nhóm ủng hộ Manning đã bị nhân viên an ninh Mỹ bắt giữ và thẩm vấn trong nhiều giờ tại sân bay Chicago ngày 3-11. Tuy nhiên, nhân vật này chưa bị kết tội điều gì.

Bradley Manning là người sinh ra tại tiểu bang Oklahoma nhưng phần lớn tuổi thơ lại sinh sống ở xứ Wales (Vương quốc Anh). Manning trở lại Mỹ năm 13 tuổi và bắt đầu học lớp 6. Thời kỳ này, nhiều bạn học gọi Manning là “chuyên gia máy tính”. Tuy nhiên, khi bắt đầu nhập ngũ năm 2007 và trở thành chuyên gia phân tích tình báo được đưa tới chiến trường Iraq, người lính trẻ Manning bị phát hiện là kẻ đồng tính và cảm thấy mình bị cô lập trong hàng ngũ quân đội. Mỗi ngày Manning ngồi bám trên máy tính suốt 14 giờ để tìm kiếm cái gì đó trên các thông tin mật và bị ám ảnh bởi chính sách ngoại giao hiếu chiến của Mỹ. Manning từng mô tả ngành tình báo quân sự Mỹ như là một “mớ hỗn độn” và chủ động liên lạc với tin tặc nổi tiếng Lamo để chia sẻ thông tin.

Từ khi Manning bị bắt và Wikileaks phát hành tài liệu bí mật của Mỹ, có nhiều phong trào yêu chuộng hòa bình và bảo vệ quyền tự do Internet đã tập hợp lực lượng, quyên góp tiền bạc với tuyên bố bảo vệ người mà họ coi là “anh hùng phản chiến”. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ gọi cựu quân nhân có gương mặt trẻ thơ này là “kẻ phản bội”.

PHÚC KIẾN
(Theo AP, NYTimes, AFP và TTXVN)

PHÚC KIẾN (Theo AP, NYTimes, AFP và TTXVN)

Chia sẻ bài viết