04/12/2022 - 13:22

Kazakhstan tìm cách cân bằng quan hệ Đông - Tây 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tại buổi lễ nhậm chức hôm 26-11 vừa qua, Tổng thống tái đắc cử Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng và mang tính xây dựng giữa lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể gây bất ổn khu vực.

Ông Tokayev (trái) và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị thượng đỉnh khu vực hồi tháng 10-2022 tại Kazakhstan. Ảnh: AP

Ông Tokayev (trái) và Tổng thống Nga Putin tại hội nghị thượng đỉnh khu vực hồi tháng 10-2022 tại Kazakhstan. Ảnh: AP

“Kazakhstan sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, mang tính xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Sự chú ý ưu tiên sẽ tập trung vào các vấn đề hợp tác cùng có lợi và quan hệ đối tác chiến lược với các nước láng giềng: Nga, Trung Quốc và các nước anh em ở Trung Á, với các đối tác ở các hiệp hội” - Tổng thống Tokayev tuyên bố, đồng thời cho biết Kazakhstan cũng sẽ tìm cách phát triển quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các nước châu Á, Trung Đông và Nam Kavkaz, cũng như với tất cả các nước có cùng mong muốn phát triển quan hệ.

Nỗ lực giảm phụ thuộc vào Nga

Điểm đáng chú ý là ông Tokayev trước đó đã công khai bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine, làm xấu đi quan hệ giữa Astana và Mát-xcơ-va. Tại một diễn đàn được tổ chức hồi tháng 6 ở thành phố St. Petersburg, nơi ông Tokayev đứng chung sân khấu với ông Putin, nhà lãnh đạo Kazakhstan nói rằng chính quyền ông không công nhận các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Đông Ukraine và Astana ủng hộ quyền bất khả xâm phạm các đường biên giới được quốc tế công nhận. Tuyên bố thẳng thừng này của ông Tokayev khiến giới quan sát ngạc nhiên, thậm chí khiến một số nhà bình luận ủng hộ chiến tranh trên các phương tiện truyền thông Nga đưa ra lời đe dọa.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, ông Tokayev dù không nhắc đích danh Nga nhưng đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với các cường quốc đang phá hoại trật tự quốc tế cũ đáng tin cậy và mở ra một “trật tự mới, hỗn loạn và khó đoán hơn”. Còn hồi tháng 10 khi ông Tokayev tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Trung Á, ông đã có cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo khác nhưng lại không đàm phán song phương với Tổng thống Putin.

Gần đây, ông Tokayev còn đẩy nhanh kế hoạch tăng lượng dầu Kazakhstan xuất khẩu về phía Tây qua Biển Caspi, tránh Nga ở phía Bắc. Hiện Kazakhstan đang phụ thuộc rất nhiều vào Caspian Pipeline Consortium (CPC), một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới đi qua Nga đến cảng Novorossiisk ở Biển Đen. Ước tính cho thấy có tới 53 triệu tấn dầu của Kazakhstan đi qua đó mỗi năm. Trong một động thái nhằm hạn chế sự phụ thuộc kinh tế vào Nga, chính quyền Tổng thống Tokayev nhấn mạnh Kazakhstan sẽ tăng các chuyến xuất khẩu dầu xuyên Biển Caspi lên gấp 10 lần trong những năm tới, lên mức 20 triệu tấn. 

Một quan chức chính phủ cấp cao cho hay chiến thắng vang đội của ông Tokayev trong cuộc bầu cử tổng thống Kazakhstan mới đây có thể khiến ông tiếp tục các nỗ lực giảm phụ thuộc vào Nga hơn nữa. Vị quan chức giấu tên này cho biết ông Tokayev muốn chứng minh rằng ông có thể lãnh đạo đất nước 20 triệu dân của mình mà không cần sự bảo trợ của nước nào. 

Ngay cả trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, Kazakhstan đã từ chối sự thúc giục của Nga tham gia vào đồng tiền chung và nghị viện chung trong Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga lãnh đạo. 

Hợp tác với các cường quốc khác

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị bất ổn làm tăng nhu cầu mở ra các tuyến đường mới kết nối châu Á và châu Âu, Kazakhstan duy trì vai trò của nước này trong các sáng kiến của EU nhằm cải thiện và làm sâu sắc thêm quan hệ với khu vực Trung Á. Thông qua các cuộc gặp cấp cao liên tục ở nhiều cấp, hợp tác song phương giữa Kazakhstan và EU tiến triển ổn định và thậm chí còn trở nên gắn kết hơn.

Kazakhstan nằm ở giao lộ của châu Á và châu Âu trên lục địa Á - Âu và do đó có tầm chiến lược quan trọng. Trước thềm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Kazakhstan và EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đến thăm Astana hồi cuối tháng 10 để tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Á theo lời mời của Tổng thống Tokayev.

Cho đến nay, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan, chiếm đến 40% tổng kim ngạch thương mại của nước này. Về phần mình, Kazakhstan xuất khẩu sang EU gần như toàn bộ các sản phẩm dầu khí của mình, bên cạnh khoáng sản, hóa chất và thực phẩm. Trong chuyến thăm Astana, ông Michel gọi Kazakhstan là “đối tác quan trọng” mà EU hy vọng sẽ “phát triển hợp tác”, bởi Kazakhstan đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga để từ khi Mát-xcơ-va phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Thỏa thuận Hợp tác và Đối tác tăng cường (EPCA) giữa EU và Kazakhstan có hiệu lực từ ngày 1-3-2020 là thỏa thuận đầu tiên và quan trọng nhất được EU ký kết với một trong các đối tác Trung Á nhằm mang đến khuôn khổ toàn diện trong quan hệ song phương. EPCA đóng vai trò là nền tảng pháp lý cho quan hệ EU - Kazakhstan, cung cấp khuôn khổ lớn hơn để tăng cường đối tác chính trị và hợp tác theo ngành, gồm 29 lĩnh vực hợp tác từ thương mại, đầu tư đến khoa học và du lịch.

Kazakhstan cũng thúc đẩy hợp tác với Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Kazakhstan với vốn đầu tư trực tiếp khoảng 1,9 tỉ USD trong quý 1-2022, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, hồi tháng 9, không phải ngẫu nhiên mà Kazakhstan là nước đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát. Trung Quốc nằm trong tốp 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Kazakhstan với số vốn lũy kế đến nay khoảng 20 tỉ USD. Ngoài việc trung chuyển khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm của Nga sang Trung Quốc, Kazakhstan cũng bán cho Bắc Kinh hơn 2 triệu tấn dầu thô/năm.

Nga và Kazakhstan có chung đường biên giới dài 7.600km. Người Nga là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất tại Kazakhstan. Đầu năm nay, Kazakhstan xảy ra cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao làm hàng trăm người thiệt mạng. Cuộc biểu tình căng thẳng đến mức Nga, nước dẫn đầu trong liên minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), phải điều binh sĩ đến Kazakhstan hỗ trợ an ninh. Dù lực lượng CSTO chỉ duy trì một thời gian ngắn, nhưng dư luận phương Tây quan ngại tầm ảnh hưởng của Nga đối với Kazakhstan sẽ ngày càng được củng cố và mở rộng.

Kazakhstan trên đà cải cách sâu rộng

Tổng thống Tokayev sinh năm 1953 tại thành phố Almaty. Hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, ông theo học tại Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va, cơ sở giáo dục hàng đầu dành cho các nhà ngoại giao ở Liên Xô, sau đó làm việc cho Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc. Sau khi Liên Xô tan rã, ông trở thành cố vấn của ông Nursultan Nazarbayev, lãnh đạo của nhà nước Kazakhstan độc lập gần 30 năm.

Năm 1994, ông được bổ nhiệm làm ngoại trưởng và sau đó trở thành phó thủ tướng vào tháng 3-1999. Chỉ trong vòng 7 tháng sau, ông được bầu làm thủ tướng. Tuy nhiên, ông trở lại vai trò ngoại trưởng từ năm 2002, trước khi được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan từ năm 2007. Năm 2011, ông được chọn làm Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) - Tổng Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva. Ông tái đắc cử Chủ tịch Thượng viện Kazakhstan năm 2013, trước khi trở thành Tổng thống vào tháng 3-2019, thay thế ông Nazarbayev.

Sau làn sóng biểu tình đầu năm nay, theo đề xuất của Tổng thống Tokayev, Quốc hội Kazakhstan đã thông qua sửa đổi hiến pháp về nhiệm kỳ tổng thống 7 năm mà không có quyền tái cử và sử dụng lại tên cũ của thủ đô nước này là Astana, thay cho tên Nur-Sultan vốn được đặt hồi tháng 3-2019 để vinh danh Tổng thống sắp mãn nhiệm khi đó là ông Nursultan Nazarbayev.

Tại cuộc bầu cử tổng thống hôm 20-11, ông Tokayev đắc cử với tổng số phiếu ủng hộ lên đến 81,31%. Sắp tới, các cuộc bầu cử định kỳ của Thượng viện Kazakhstan sẽ được tiến hành theo hướng thực hiện cải cách hiến pháp và các nghị sĩ sẽ được lựa chọn trên cơ sở các nguyên tắc cạnh tranh và cởi mở.

ĐỨC TRUNG

 

Chia sẻ bài viết