28/10/2009 - 09:05

John Kerry - "Đặc sứ" của nước Mỹ

Là một thượng nghị sĩ và không có chân trong bộ máy chính quyền hành pháp của Tổng thống Barack Obama nhưng ông John Kerry lại đóng vai trò như một “đặc sứ”, giúp giải quyết các vấn đề chính trị rắc rối ở Afghanistan, Pakistan, Syrie, Honduras.

 Thượng nghị sĩ Kerry (phải) “sát cánh” cùng Tổng thống Obama. Ảnh: AP

Những ngày gần đây, ông John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã trải qua nhiều ngày bận rộn tại Afghanistan nhằm thuyết phục Tổng thống Hamid Karzai chấp nhận thực tế kết quả bầu cử và dàn xếp mối bất hòa giữa ông Karzai với đặc phái viên Mỹ phụ trách các vấn đề Afghanistan-Pakistan Richard Holbrooke. Theo tờ Washington Post, trong vai trò thượng nghị sĩ, ông Kerry có thể dễ dàng ứng xử uyển chuyển hơn so với một quan chức chính phủ. Dĩ nhiên, trong quá trình thảo luận với Tổng thống Karzai, ông Kerry phải tham vấn chặt chẽ Ngoại trưởng Hillary Clinton và đại sứ Karl Eikenberry. Và cũng trong những ngày có mặt ở đây, ông Kerry đã làm việc với tư lệnh Mỹ-NATO tại Afghanistan, tướng Stanley McChrystal, để giải thích vì sao chủ nhân Nhà Trắng chưa đáp ứng đề xuất tăng thêm ít nhất 40.000 quân của ông này.

Rời Kabul, ông Kerry sang nước láng giềng Pakistan để vận động giới lãnh đạo chính phủ và quân đội nước này tán thành các điều kiện của gói viện trợ dân sự trị giá 7,5 tỉ USD mà Washington dành cho Islamabad trong 5 năm tới. Gói viện trợ do ông Kerry và một thượng nghị sĩ khác soạn thảo, đã được Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama phê chuẩn, giờ chỉ còn chờ phía Pakistan đồng ý.

Những tháng đầu năm nay, chính ông Kerry cũng đã thể hiện vai trò trung gian phá vỡ bế tắc trong quan hệ giữa Mỹ và Syrie. Ông đã vài lần gặp trực tiếp Tổng thống Bashar al-Assad tại Thủ đô Damas, trong đó có một buổi ăn tối kéo dài với sự có mặt của hai vị phu nhân.

Thượng nghị sĩ Kerry dường như còn được Nhà Trắng hậu thuẫn đứng ra tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras. Ông là người kêu gọi chính quyền Obama phải kiên quyết phản đối cuộc đảo chính và gây sức ép buộc phe tiếm quyền khôi phục lại nền dân chủ. Tiếng nói của ông Kerry bước đầu đã được phe đảo chính ở Honduras “lắng nghe”.

Và không chỉ là “đặc sứ”, ông Kerry còn đang hết mình ủng hộ kế hoạch cải cách hệ thống y tế và chống biến đổi khí hậu toàn cầu của Tổng thống Obama. Theo các nhà phân tích, sự hậu thuẫn nhiệt tình của thượng nghị sĩ 65 tuổi nhiều uy tín này có thể giúp các dự luật và chính sách của ông Obama được “thuận buồm xuôi gió” hơn.

Theo David Gergen, giám đốc Trung tâm lãnh đạo công cộng của Đại học Harvard, vai trò của ông Kerry là một ngoại lệ và hiếm có vị tổng thống nào của nước Mỹ lại sử dụng một nhân vật bên ngoài bộ máy chính quyền như thượng nghị sĩ Kerry trong nhiều công việc ngoại giao đến thế.

Cần nhắc lại là ông Kerry từng thua sát nút Tổng thống George Bush trong cuộc bầu cử năm 2004 và tưởng chừng như sẽ từ bỏ chính trường nếu không được tái cử ghế thượng viện năm 2006. Ông Kerry cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Obama hồi năm ngoái.

PHÚC NGUYÊN (Theo WirePRNews, Reuters, WP, AFP, Le Monde)

Chia sẻ bài viết