13/04/2021 - 09:12

Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran? 

Iran vừa lên tiếng cáo buộc Israel “tấn công khủng bố” cơ sở hạt nhân Natanz của Cộng hòa Hồi giáo, trong khi Tel Aviv dường như không phủ nhận điều này.

Kỹ sư Iran làm việc tại nhà máy làm giàu uranium Natanz. Ảnh: Bangkok Post

Ngày 11-4, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho rằng một vụ “tấn công khủng bố” đã dẫn đến sự cố mất điện tại cơ sở hạt nhân Natanz. Theo người phát ngôn của AEOI Behrouz Kamalvandi, vụ việc không gây thương vong hoặc ô nhiễm khu vực. Lãnh đạo AEOI Ali Akbar Salehi thúc giục cộng đồng quốc tế và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra hành động chống lại những kẻ đứng sau vụ tấn công lò phản ứng Natanz, còn phát ngôn viên Ủy ban Năng lượng Iran Malek Chariati thì gọi đây là hành động phá hoại.

Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi giới chức Iran khởi động lại các máy ly tâm tiên tiến tại lò phản ứng Natanz, vốn có thể đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium. Ðây được coi là thời điểm quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran. Do vậy, giới chức Tehran ngay lập tức cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công tại Natanz và phải chịu trách nhiệm cho hành động đó. Truyền hình nhà nước Iran ngày 12-4 dẫn lời Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif cho rằng Israel đã gây ra sự cố tại lò phản ứng Natanz và tuyên bố nước này sẽ trả thù.

Theo báo Guardian, phía Israel dường như cũng xác nhận họ đứng sau vụ việc khi Bộ trưởng Quốc phòng Aviv Kochavi khẳng định “các hoạt động của Israel ở Trung Ðông không phải che mắt kẻ thù”. Lần này Tel Aviv cũng không kiểm duyệt hoặc hạn chế thông tin vụ tấn công lò phản ứng hạt nhân của Tehran như trước, thậm chí sự việc còn được truyền thông Israel đưa tin rộng rãi. Ðài phát thanh công cộng Kan dẫn nguồn tin tình báo cho rằng sự cố mất điện kể trên nhiều khả năng không phải là tai nạn ngẫu nhiên mà là hậu quả của một cuộc tấn công mạng, nghi do tình báo Mossad của Israel đứng sau. Bản thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng nhấn mạnh “Cuộc đấu tranh chống Iran và các lực lượng ủy thác cũng như những nỗ lực trang bị vũ khí của Iran là một sứ mệnh to lớn”.

Tehran mất lợi thế trên bàn đàm phán?

Hai quan chức tình báo giấu tên của Mỹ và Israel nhận định sự cố mất điện xảy ra là do một vụ nổ lớn, phá hủy hoàn toàn hệ thống điện nội bộ vốn cung cấp năng lượng cho các máy ly tâm dưới lòng đất. Những người này cho rằng vụ nổ đã giáng đòn nặng nề vào khả năng làm giàu uranium của Iran và phải mất ít nhất 9 tháng để khôi phục hoạt động sản xuất của cơ sở hạt nhân Natanz.

Nếu vậy, “đòn bẩy” của Iran trong các cuộc đàm phán mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Lâu nay, Tehran khẳng định sẽ thực hiện những bước đi ngày càng mạnh mẽ vốn bị cấm trong JCPOA cho đến khi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này. Sau khi rút Mỹ khỏi JCPOA hồi năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran.

Vụ tấn công “khủng bố hạt nhân” tại Natanz xảy ra vài ngày sau khi Iran và Mỹ  vừa khôi phục đối thoại về việc cứu vãn JCPOA. Iran và các cường quốc gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh cùng Ðức (Mỹ chỉ tham gia trực tuyến từ một khách sạn gần đó) đã tổ chức cuộc đàm phán tại Áo mà họ mô tả là “mang tính xây dựng” nhằm hồi sinh JCPOA. Việc Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp là do Iran chỉ chấp nhận gặp trực tiếp đại diện của Washington khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, Israel, đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Ðông, phản đối quyết liệt việc Washington quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Vào tháng 7-2020, cơ sở hạt nhân Natanz, phần lớn nằm dưới lòng đất, từng xảy ra một vụ hỏa hoạn mà Iran cũng cho là nỗ lực nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của nước này. Nơi đây cũng từng trở thành mục tiêu của cuộc tấn công mạng sử dụng virus Stuxnet.

Hàn Quốc sẵn sàng giúp Iran thúc đẩy đối thoại nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Trong khuôn khổ chuyến thăm Iran, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 12-4 tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ “bên lề” để thúc đẩy đối thoại “hữu ích” với các đối tác liên quan nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc.

Thủ tướng Hàn Quốc đang thực hiện chuyến thăm Iran 3 ngày. Đây là chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Hàn Quốc đến quốc gia Trung Đông này trong 44 năm qua. Mục đích chuyến công du là thảo luận quan hệ song phương trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai bên liên quan việc Tehran yêu cầu Seoul giải tỏa khoản tiền 7 tỉ USD bị đóng băng tại Hàn Quốc trong khuôn khổ  lệnh trừng phạt của Mỹ. Vấn đề này cũng được cho là lý do đằng sau việc Iran giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc cùng thủy thủ đoàn đầu tháng 1 vừa qua. Tuần trước, Tehran đã thả tàu và thuyền trưởng của tàu sau 3 tháng bắt giữ với cáo buộc gây ô nhiễm tràn dầu.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, NY Times)

Chia sẻ bài viết